Hiện nay, trong khi không ít trẻ mới ở lớp mầm non hay tiểu học đã kênh kiệu, cậy bố mẹ giàu thì cũng không ít bé dù con nhà khá giả vẫn rất hòa đồng, tiết kiệm, và có ý chí phấn đấu cho tương lai. Sự khác biệt phần lớn nằm ở cách giáo dục của gia đình.
"Người thành đạt, kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức thường rất quý trọng đồng tiền. Họ luôn biết dạy con tự đi bằng đôi chân, không phải dựa vào người khác", một thạc sĩ tâm lý cho biết. Trường hợp của chị Diệp, Trưởng phòng nhân sự một công ty bán lẻ kỹ thuật số tại Cầu Giấy (Hà Nội) là một ví dụ.
Hai vợ chồng đều có vị trí cao ở công ty, kinh tế tương đối đầy đủ, chị Diệp luôn cho rằng phải dạy con biết quý trọng đồng tiền, sức lao động. Ngay từ lúc các con còn nhỏ, hằng ngày chị luôn dạy các cháu tiết kiệm điện, nước.
"Từ những việc nhỏ nhất như khi con ăn cơm, nói cho con hiểu vãi một hạt cơm cũng là lãng phí, hay tạo cho con thói quen dùng xong điện thì tắt đi", chị nói.
Muốn con thực sự trải nghiệm lao động và hiểu nỗi vất vả khi kiếm tiền, mùa hè vừa rồi, chị Diệp định để con tới quán nước gần nhà làm phục vụ. Nhưng sau khi cân nhắc, chị gửi con tới trường mầm non của một người bạn, để cháu tham gia trông trẻ, dọn dẹp giúp cô giáo. Cháu tỏ ra rất hứng thú với việc này.
"Cuối tháng, cháu được cô giáo thưởng 100.000 đồng, nhưng không phải bằng tiền mặt mà dắt cháu đến nhà sách, cho tự chọn những cuốn mình thích. Với con, đó là những trải nghiệm tuyệt vời trước khi bước vào năm học mới", người phụ nữ thành đạt chia sẻ.
Để dạy con biết cân nhắc khi chi tiêu, chị Bích Hà (giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc tại Hà Nội) cho hay cả hai bé nhà chị, một 8 tuổi, một 10 tuổi hàng tuần được phát tiền tiêu vặt. Các con phải tự làm sổ thu chi hàng tuần, muốn mua gì bàn trước với mẹ.
Những khoản như tiền mừng tuổi, được người thân tặng khi sinh nhật... chị cho phép con giữ, gửi tiết kiệm hoặc dùng mua đồ hữu ích cho học tập.
Ngay từ lúc con còn nhỏ, chị Bích Hà không thuê người giúp việc mà hướng dẫn các cháu làm việc nhà. "Ban đầu mình vất vả hơn, nhưng nhận được "phần thưởng" xứng đáng. Hiện tại, các việc rửa chén bát, dọn phòng, lau nhà, gấp quần áo, đổ rác... hai anh em phân công nhau làm rất tự giác.
Ngoài ra, các cháu còn có thể nhận làm thêm các việc như rửa xe cho bố, mẹ, đi chợ mua đồ ăn... với giá tất nhiên là rẻ hơn ngoài hàng", chị Hà chia sẻ.
Bà mẹ 36 tuổi cho hay, va chạm thương trường nhiều, chị biết việc được - mất đôi khi không thể nói trước và nhu cầu tiêu dùng là vô tận. Chị muốn các con phải ý thức được việc lao động và biết tự phấn đấu để đạt được những gì mình muốn, chứ không trông chờ vào tài sản của bố mẹ.
Không bao giờ đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của con, để trẻ tự cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu cũng là quan điểm dạy con của chị Minh Huệ, kế toán trưởng một công ty tư vấn thông tin tại Hà Nội.
Với các nhu cầu liên quan tới học tập của hai con trai, anh chị luôn đáp ứng tối đa, nhưng các nhu cầu khác thì không phải trẻ đòi gì cũng được.
"Tôi luôn chia sẻ để con hiểu bố mẹ phải đi làm vất vả mới có tiền và tiền đó không phải là vô tận. Khi con học cấp 1, thi thoảng cháu về xin tiền, chỉ 5.000 đồng để ủng hộ các bạn khó khăn.
Tôi động viên con đó là việc tốt và mẹ sẽ tạo điều kiện để con tự "kiếm" số tiền giúp bạn, bằng cách mỗi lần con được điểm 10 sẽ cho 1.000 đồng, để con bỏ vào lợn. Cháu tỏ ra rất hứng thú và cố gắng hơn trong học tập, đồng thời tự hào về số tiền tặng bạn", chị Huệ kể.
Chị Huệ cho rằng, điều quan trọng nhất chị muốn dạy con là sống nhân ái, biết ứng xử văn minh, từ những điều nhỏ nhất như xếp hàng đợi tới lượt, vứt rác vào thùng...
"Tôi không nghĩ trẻ chỉ cần trở thành người tài giỏi là sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống đòi hỏi nhiều điều hơn thế, trong đó có việc biết thích nghi", chị Huệ chia sẻ.
Theo chị, chính việc không đáp ứng tất cả đòi hỏi của con là một cách khích lệ để trẻ phấn đấu đạt được những gì mình muốn. Khi con trai lớn còn học trong nước, qua câu chuyện bạn bè kể về những chuyến xuất ngoại, cháu luôn khao khát được đặt chân tới các miền đất mới.
Chị động viên con học tập và cháu quyết tâm học thi vào đội tuyển để được thi đấu trên trường quốc tế, thỏa mãn ước ao của mình. Cậu bé đã hai lần nhận giải quốc tế và đang học tập tại Mỹ.
Cần rèn luyện tính tự lập cho trẻ từ bé.
Cũng từ suy nghĩ dạy con biết tự đứng bằng đôi chân mình, chị Thanh Hà ở tập đoàn FPT đã khuyến khích để các con hướng tới mục tiêu trở thành người tốt, có ích cho xã hội, biết hòa nhập với môi trường sống và cảm thấy hạnh phúc trong môi trường ấy.
Chị Hà có 3 con. Con đầu đang học tại một trường uy tín tại Mỹ, con trai thứ hai đang học cấp 2 THPT Hà Nội - Amsterdam, từng đoạt huy chương đồng toán châu Á - Thái Bình Dương, cô con út vừa vào tiểu học.
Chị cho biết, để con hòa đồng và sớm có tinh thần trách nhiệm, ngay từ lúc con đầu mới đi học, điều đầu tiên chị nhờ giáo viên là "cô có việc gì thì giao cho cháu làm" và cậu bé được phân công việc chia thịt cho các bạn khi ăn, đồng thời "giám sát" và nhắc bạn cất chăn gối sau giờ ngủ trưa.
Bà mẹ 3 con cho hay, chị thấy đứa trẻ nào cũng luôn muốn được coi như người lớn, được tôn trọng và làm những việc khiến người khác vui, vì thế chị muốn giao cho con các nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi.
Gia đình chị có thói quen trước giờ ngủ mọi người sẽ đọc sách, ban đầu mẹ đọc cho con nghe, một thời gian sau chị đọc một trang rồi khuyến khích con đọc một trang, tiếp đó mẹ "vờ" mệt hay buồn ngủ và con rất hào hứng đọc cho mẹ nghe. Khi đi chơi, chị cũng hay tỏ ra "nhỏ bé" để các con được giúp mẹ xách đồ, chứng tỏ vai trò của mình với thành viên khác trong gia đình.
Với quan điểm "muốn giỏi hay làm được bất cứ việc gì thì đều cần có thể lực tốt, ai khỏe sẽ làm được nhiều việc hơn", đồng thời rèn luyện cho con khả năng vượt khó, kiên trì với mục tiêu của mình, chị Hà đặt việc rèn luyện sức khỏe cho con lên hàng đầu.
Ngay từ khi các con 5 tuổi, chị đã đưa bọn trẻ đi học bơi. Từ đó, cứ 5h sáng là bố mẹ gọi các con dậy, dù đông hay hè, kể cả ngoài trời dưới 10 độ C, bọn trẻ đều đến bể bơi.
Kỷ niệm người mẹ này nhớ mãi là lần "bỏ con" một mình trên đất Mỹ khi cậu con đầu 10 tuổi. Chị kể, năm 2006, chị có khóa học ở Hawai và đưa con đi cùng chỉ vì muốn để con được mở mang tầm mắt.
Nhưng sau khi khóa học của mẹ kết thúc, khóa học của con còn kéo dài 4 tuần nữa, chị quyết định cho con ở lại Mỹ, còn mình quay về nước. "Đấy thực sự là thời điểm khó khăn với tôi. Nhưng may mắn, việc làm đó đã mang lại quả ngọt", chị chia sẻ.