(GD&TĐ) - Hỏi: Nhà giáo Nguyễn Thúy Hà Minh ở Nam Định viết thư hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc: Chế độ trợ cấp thôi việc được tính như thế nào? Tôi là giáo viên trường tiểu học công lập tỉnh Hà Nam được 7 năm. Tôi có nguyện vọng xin chuyển công tác đến một trường tiểu học công lập của tỉnh Nam Định và đã có quyết định của cấp có thẩm quyền chấp thuận. Xin được hỏi, trường hợp của tôi có được trợ cấp thôi việc không vì nơi công tác cũ của tôi ra quyết định chấp dứt hợp đồng làm việc. Nếu được thì tính như thế nào?
Ảnh minh họa |
* Trả lời: Chế độ trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ: Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức như sau: Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính:
- Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
- Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12 /2008.
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Vấn đề thứ hai bạn quan tâm chúng tôi xin được tư vấn như sau: bạn đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận thuyên chuyển công tác. Về nguyên tắc, giáo viên khi thuyên chuyển công tác đến đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị đang làm việc. Đơn vị nơi đi và nơi đến làm việc đều là đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, nên khi thuyên chuyển đến đơn vị mới, giáo viên được ký kết hợp đồng làm việc, được xếp lương căn cứ vào quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng BHXH ở đơn vị cũ, được cộng dồn thời gian trực tiếp giảng dạy ở đơn vị cũ để hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Trường hợp của bạn đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định thuyên chuyển từ trường công lập này sang trường công lập khác, cũng phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị chuyển đi, nhưng đó không phải là thôi việc, do vậy bạn không thuộc đối tượng áp dụng trợ cấp thôi việc được quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.
GD&TĐ Online