Obama phải trả lời câu hỏi hết sức quan trọng: Liệu Mỹ có tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo thế giới và những cam kết với các đồng minh sau khi thay đổi chính quyền tại Nhà Trắng vào tháng Giêng năm tới?
Chia tay trong bối cảnh những cam kết cũ dễ bị hủy bỏ
Bắt đầu từ thứ Hai (14/11), chuyến công du nước ngoài sáu ngày của Obama diễn ra trong bối cảnh Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đang nhanh chóng thành lập thê đội Nhà Trắng của mình và đã có những cuộc điện đàm đầu tiên với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga V.Putin.
Thông tin rằng V.Putin và Donald Trump đã bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau trong việc bình thường hóa nhanh chóng quan hệ Nga - Mỹ đã được biết đến rộng rãi ở châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo trong tuần này tổ chức cuộc họp cuối cùng của họ với Barack Obama.
Dù tân Chánh Văn phòng Nhà Trắng Rhines Pribus thừa nhận rằng Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã bắt đầu xây dựng chính sách đối ngoại của chính quyền mới nhưng vẫn chưa rõ những chủ đề được đặc biệt ưu tiên.
Chính vì vậy, để trả lời câu hỏi về sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ sau ngày 20/1/2017, khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, ông chủ đương nhiệm của phòng Bầu Dục phải lên tiếng.
Trên thực tế, chuyến công du nước ngoài kéo dài 6 ngày của ông Barack Obama đã được lên kế hoạch trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ. Theo dự định của Obama, sự xuất hiện của ông ở châu Âu và tại Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được trong triều đại của ông và giải thích những nét chỉnh trong chính sách của Mỹ trong trường hợp bà Hillary Clinton giành chiến thắng.
Tuy nhiên, người chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua lại chính là Donald Trump với những tuyên bố vang dội, nhất là xem xét lại quan hệ với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, “nói không” với người tị nạn từ Syria; xây dựng một bức tường trên biên giới Mexico, hủy bỏ thỏa thuận về việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, từ bỏ sáng kiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu và cuối cùng là chấm dứt thỏa thuận về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính vì thế, chương trình của Obama có đôi chút bị đảo lộn.
Giải thích và trấn an tinh thần đồng minh
Ở Hy Lạp - điểm đến đầu tiên của chuyến công du, Tổng thống Obama giải thích cho các đồng minh về vấn đề chính - triển vọng mối quan hệ của Washington với các thành viên khác của Đại Tây Dương.
“Trong cuộc trò chuyện với tôi, Tổng thống mới đắc cử đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ trong việc theo đuổi các lợi ích chiến lược của chúng tôi, và một trong những thông điệp của ông ấy mà tôi có thể dẫn là cam kết với NATO” - Barack Obama thông báo.
Ngoài ra, ông Obama đã trả lời phỏng vấn tờ báo Kathimerini của Hy Lạp, xây dựng chương trình nghị sự của chuyến công du châu Âu qua các cuộc đàm phán tại Berlin với các nhà lãnh đạo chính thức của Liên minh châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng như các nhà lãnh đạo Pháp, Ý và Anh.
EU và NATO - lực lượng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định. Châu Âu - đối tác kinh tế lớn nhất của chúng tôi, và chúng tôi sẽ làm tất cả để châu Âu ổn định và phát triển - Barack Obama tuyên bố.
Barack Obama cũng lý giải việc Donald Trump chỉ trích sự chậm trễ của tiến trình toàn cầu hóa cũng như việc ký kết thỏa thuận thương mại đa phương là đòi hỏi Mỹ và EU phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa chứ không phải là hủy hoại mối quan hệ này.
Tuy nhiên, khi nêu cao nguyên tắc toàn cầu hóa, Barack Obama dường như không thể bảo vệ “con đẻ” của mình ở hướng châu Á - Thỏa thuận về đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Còn nhớ, hồi vận động tranh cử, Donald Trump đã gọi TPP là “thảm họa tiếp theo được đưa ra bởi các lực lượng muốn hãm hiếp nước Mỹ”.
Barack Obama kết thúc chuyến công du nước ngoài cuối cùng của mình tại Peru, nơi ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Theo các nhà phân tích, tiếng nói của ông ở Lima không còn “nặng ký” như trước đó.