Chuyện chưa kể về bà lão tay không bắt "tăm tặc" giữa lòng Hà Nội

Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà Nậm (1951, Hà Nam) vẫn khiến nhiều người dân phải sững sờ khâm phục về câu chuyện tay không bắt “tăm tặc” giữa lòng Hà Nội.

Chuyện chưa kể về bà lão tay không bắt "tăm tặc" giữa lòng Hà Nội

Những ngày vừa qua, câu chuyện về bà Trần Thị Nậm ra sức bắt bọn lừa đảo trên phố đi bộ đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Để tìm hiểu sự việc, PV đã tìm gặp bà lão vào chiều thứ 7 lạnh giá.

Dáng người nhỏ thó, tay xách nách mang những bao bì đựng ve chai, bà cất lời chào chúng tôi. Ngồi trên ghế đá bên hồ Hoàn Kiếm, bà kể về cuộc đời khổ cực thời niên thiếu và chuyện bị “tăm tặc” đe dọa vào ngày 18/2.

Tủi nhục thời niên thiếu.

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em ở mảnh đất Hà Nam cằn cỗi, bố mất sớm, mẹ không đủ sức nuôi nổi nên đành nhắm mắt gửi bà Nậm đi ở cho một gia đình giàu có tỉnh Thái Nguyên từ năm 6 tuổi. Nhưng bà đâu ngờ rằng, đó là khoảng thời gian tủi hờn, đau đớn nhất, một tuổi thơ đầy ám ảnh, đeo đẳng bà đến tận bây giờ.

Chuyen chua ke ve ba lao tay khong bat

Cuộc sống vất vả của bà Trần Thị Nậm

Ánh mắt nhìn xa xăm, bà kể hằng ngày sau khi làm tất cả công việc phục vụ cho 4 người, nhà chủ còn hành hạ, đánh đập dã man. Chỉ vì soạn đồ ăn chậm một tí, chỉ vì đi chợ mua đồ chưa biết trả giá…nên bà phải hứng trọn những cái tát đau điếng, lời mắng nhiếc thậm tệ, bắt nhịn đói khi đang ở tuổi ăn, tuổi chơi.

Bà cho biết vừa dọn cơm lên, bố mẹ nuôi (gia chủ) đã phạt đứng một góc nhà dù không phạm lỗi. Bà đứng đó nhìn họ ăn, bụng đói cồn cào, nước mắt chảy. Ấy vậy mà, tối về, trên chiếc chiếu rách, chính những cốc nước đã giúp “xoa dịu” sự cồn cào ruột gan của bà.

Kể về những ngày ấy, bà trầm ngâm : “Có những vết thương bị bầm khoảng 1 tuần sau mới khỏi, có lúc 2 ngày liên tục nhịn đói. Trong bóng tối, vết thương ấy kèm theo sự nhớ nhà, nỗi đau như nhân lên gấp bội, tủi thân dâng trào đến ngộp thở”.

Ngày ấy, nghĩ vì thương mẹ, vì miếng cơm manh áo, bà đành nuốt cục tức vào lòng và cam chịu. Hằng ngày, cố gắng hoàn tất công việc sớm, làm một cách tốt nhất để tránh đi sự “vô tình” của roi vọt.

Lại nhớ, ngày ngày chứng kiến người con của ông bà chủ đi ăn trộm xe máy về nhưng bố mẹ không nói một lời. Thấy quá khó chịu vì phải phục vụ việc nhà của gia đình lừa đảo, vô văn hóa, bà quyết định tìm đường về quê với mẹ vào năm 19 tuổi.

Rời quê đã được 13 năm, mọi thứ đã dần thay đổi. Từ một trẻ con nhí nhảnh nay đã trở thành một cô gái xinh đẹp, tháo vát khiến mẹ bất ngờ, các anh, các em không còn nhận ra.

Và tuổi cập kê cũng đã đến, bà đã kết hôn cùng với một người hàng xóm do sự mai mối của mọi người. Những tưởng hạnh phúc đã đến nhưng không ngờ một lần nữa bà lại trở thành giống bó rau bị chà đạp. Những “trận mưa” roi vọt liên tục đổ xuống trên cơ thể nhỏ bé của bà khi mỗi lần người đàn ông say rượu. Tức nước vỡ bờ, bà đã quyết định bỏ người đàn ông và mò mẫm ra Hà Nội kiếm sống.

Đến một nơi hoàn toàn xa lạ, bà bắt đầu dò tìm và đi bán rau lang, kiếm từng hào qua ngày. Buổi ngày đi lấy hàng ở chợ Long Biên và đi bán ở khắp các ngõ ngách Hà Nội, buổi đêm vật vã ngủ ở vỉa hè hoặc xin vào nhà dân ngủ nhờ. Nhưng sống đâu có… dễ.

Vào một buổi chiều, khi chưa bán được hàng, có một người đàn bà đến hỏi mua hết 50 mớ rau và bảo tối qua sau chợ sẽ trả tiền 50 hào. Tin người nên bà tưởng thật. Đến tối, bà bán nước bảo thì mới tá hỏa là đã bị lừa. Bà rất căm phẫn bọn lừa đảo và thương thân.

Bà chia sẻ cuộc đời bà đã làm không biết bao nhiêu nghề, từ bốc vác ở chợ Long Biên, đến bán hàng rong, đi nhặt ve chai... Bà sống với con người bà, với khả năng lao động, không bao giờ tồn tại ý định lợi dụng bất kể một ai.

“Người anh hùng” giữa lòng thủ đô

Trải qua cuộc sống tủi khổ, từng bị lừa đảo, cướp đi những đồng tiền mồ hôi nước mắt mới có được nên bà rất búc xúc về những loại người chuyên đi lợi dụng lòng thương người để kiếm miếng ăn.

Chuyen chua ke ve ba lao tay khong bat

Thời gian qua, bà Trần Thị Nậm tay không bắt "tăm tặc"đang xôn xao cộng đồng mạng

Nhắc đến việc bà ra tay bắt “tăm tặc” trên phố đi bộ vừa qua, bà gạt tay và bảo “Việc làm này xin đừng nhắc nữa, nhiều người gọi tôi là anh hùng, tôi không dám nhận đâu. Tôi làm không chỉ vì mọi người và cũng vì tôi nữa”.

Tôi đã ở độ tuổi gần 70, vẫn cố gắng bươn chải thu nhặt ve chai để mưu sinh từng ngày. Vậy hà cớ gì mà những người 20-25 tuổi sức dài vai rộng lại có thể đi lừa đảo những người lương thiện. Tôi không thể chấp nhận được.

Tính đến nay, bà đã nhặt ve chai được 8 năm. Một ngày đi 30 vòng xung quanh hồ Hoàn Kiếm để kiếm sống, tối đến ngủ tạm trên vỉa hè. Dù cuộc sống có vất vả nhưng bà rất thoải mái khi những năm gần đây có rất nhiều người quan tâm giúp đỡ.

“Vào một buổi sáng, sau khi giặt đồ nhờ ở chợ Long Biên, tôi mang ra vỉa hè phơi tạm, định qua trưa đi làm cho vào túi rồi mang theo, tối mang ra phơi tiếp. Thấy lạ, chị Thanh (Hàng Đường, Hà Nội) có hỏi và ngỏ ý muốn cho bà tắm, giặt và phơi quần áo tại gia đình dù có hơi chật chội”. Bà Nậm vui vẻ chia sẻ.

Trước đây, bà Nậm ngủ ở vỉa hè nhưng dạo gần đây vì sức khỏe cũng như hiểu được lòng tốt của bà thì tổ trông xe (Hàng Khoai) đã cho bà ngủ tạm vào buổi tối.

Đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, hễ nhắc tên bà là ai cũng biết đến. Bà là người luôn tốt, luôn giúp đỡ tóm gọn những tên lừa đảo ranh ma ở các tuyến phố.

Chỉ mới năm ngoái, trên đường đi nhặt ve chai, bà phát hiện một người khả nghi điệu bộ gấp gáp đang cho nhiều bộ áo quần vào túi trên phố Hàng Ngang. Ngay lập tức, bà báo cho chủ cửa hàng và tóm gọn tên tội phạm. Sau đó, bà biết rằng số hàng mà bị lấy cắp có giá trị trên 10 triệu đồng”.

Không chỉ là người dân Việt Nam, bà đã nhiều lần lấy lại sự công bằng cho cả người nước ngoài. Thấy họ mua 500.000 đồng/5 cái bánh rán, bà đã bắt tiểu thương trả lại tiền thối đúng với giá cái bánh và xin lỗi họ.

Đỉnh điểm là việc lừa đảo, núp bóng từ thiện để bán 500.000 đồng/gói tăm vào ngày 17/2 vừa qua. Việc làm của bà khiến nhiều người nể phục, có rất nhiều hội từ thiện muốn giúp đỡ bà nhưng bà từ chối không nhận vì bà còn có sức lao động.

Nỗi lòng đau đáu trong cuộc đời

Dù được mọi người dân bao bọc nhưng trong sâu thẳm lòng bà có một nỗi buồn không bao giờ chấm dứt. Nó rạo rực, cháy bỏng nhưng có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không nguôi được.

Bà cho biết bà đã có hai người con, một người con trai, một người con gái. Kể từ khi sinh ra, hai người con đều xa mẹ nên khi quyết định không ở với chồng nữa thì chúng theo bố. Dù gần 40 năm không gặp nhưng bà rất nhớ con. Tính đến nay, người con trai đầu đã 43 tuổi, người con gái 36 tuổi.

Khi được hỏi tên các con, bà rơm rớm nước mắt chia sẻ: “Khi nhỏ, các con đã theo người bố nên tôi không muốn các con biết sự tồn tại của tôi và có cuộc sống như bây giờ, không muốn các con phải hối hận, đau lòng”.

Dù nhớ bao nhiêu, thương bao nhiêu, bà cũng không bao giờ nói ra bởi lẽ có ai thấu hiểu được đâu, bà chôn giấu tận cõi lòng để sống qua ngày. Bà chỉ biết gặp con qua những giấc mơ, qua hình ảnh mờ nhạt còn lưu giữ trong tâm trí.

Những điếu thuốc lào, những ly rượu nhạt là “người bạn” giúp bà xua tan nỗi nhớ khắc khoải về người mẹ; sự khao khát được nghe 1 tiếng “mẹ ơi..”từ những đứa con bé bỏng của mình, luôn giằng xé trong tận cõi lòng của bà.

Nhớ đến việc bán tăm lừa đảo, bà chia sẻ hi vọng những người con của bà sẽ trưởng thành, mạnh khỏe, không sống trên sự lừa đảo, mồ hôi xương máu của người khác.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.