0 giờ ngày 15/3, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã ra quân triển khai Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”...
Mục đích triển khai Kế hoạch là nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Bên cạnh đó, góp phần răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của nhân dân. Đặc biệt, phát hiện những tồn tại, bất cập và kiến nghị các biện pháp trong công tác quản lý, đào tạo người lái xe.
Theo số thống kê, năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 185 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 1,42% so với năm 2019; 1.410 trường hợp dương tính với ma túy, tăng 59,50% so với năm 2019.
Sang năm 2021, chỉ riêng trong tháng 1/2021, đã xử phạt gần 23 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 247 trường hợp vi phạm về ma túy. Tháng 2/2021, xử phạt hơn 22,5 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 102 trường hợp vi phạm ma túy.
Một thống kê khác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, tỷ lệ người dân tự điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó có 40% người say rượu bia vẫn tiếp tục lái xe. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm, lễ, Tết...
Đã có giai đoạn, từng thời điểm, tình trạng sử dụng rượu bia, chất ma túy khi lái xe diễn biến khá phức tạp, cho dù đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Cũng đã từng có giai đoạn, tình trạng vi phạm có chiều hướng giảm nhưng lý do là bởi các cơ quan chức năng ra quân xử lý.
Thế nhưng kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2020 với mức xử lý được đánh giá đủ sức răn đe đến nay, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể, đặc biệt, ý thức của người dân đã được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng để hạn chế đến mức tối đa các vi phạm.
Để thực hiện được điều này, vấn đề mấu chốt chính là “thái độ” cương quyết của các cơ quan chức năng. Như trong đợt triển khai kế hoạch này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, mọi trường hợp vi phạm nồng độ cồn, kể cả người điều khiển xe biển xanh, xe công vụ... đều phải xử lý nghiêm, không né tránh.
Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình làm việc sẽ được ghi nhận bằng hình ảnh thông qua trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được cấp phép nhằm công khai minh bạch; phấn đấu phát hiện tất cả trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và có kết quả dương tính với ma túy nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Những con số về số vụ, số người chết hàng năm do tai nạn giao thông sẽ không còn nhức nhối nếu mọi người hình thành và luôn có ý thức tự giác chứ không phải chỉ khi có mặt lực lượng chức năng thì mới chấp hành.