Chương trình 'Vua tiếng Việt' cẩu thả đến tắc trách

GD&TĐ - Không phải đến bây giờ mà trong nhiều tập trước đó chương trình 'Vua tiếng Việt' đã bị khán giả phản ứng vì những lỗi sai về việc giải nghĩa từ ngữ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Này bác, sao dư luận lại phản ứng mạnh với gameshow “Vua tiếng Việt” thế cơ chứ? Xuất hiện từ năm 2021 và duy trì được đến chặng cuối của mùa thứ 2 như hiện nay đâu có dễ, nếu như chương trình kém chất lượng thì có mà…?

- Lý lẽ của bác không sai, nhưng chưa chắc chương trình hay sẽ luôn yên chí vững chân mà chương trình dở vẫn có thể tồn tại lâu, đấy nhé!

- Bác lại vẽ chuyện. Ai mà chẳng biết còn bao thứ đằng sau… Nhưng thôi, bác đừng lan man nữa!

- Ây dà, bác thấy sao khi một gameshow có cái tên kêu như chuông: “Vua tiếng Việt” mà bị mắc những lỗi sai về chính tả cơ bản đến việc giải thích ngữ nghĩa tiếng Việt?

- Phản cảm quá chứ còn gì? Nhưng chắc có nguồn cơn gì đó? Mọi người khắt khe vừa thôi, có chương trình hay về tiếng Việt để xem là quý rồi. Ai mà chẳng có chỗ khiếm khuyết, làm sao có thể vẹn toàn được tất cả kia chứ?

- Tất nhiên rồi. Nhưng cái bõ tức là cách nhận trách nhiệm về những sai sót ấy. Khi khán giả phản ứng về lỗi sai chính tả cơ bản, cố vấn chương trình còn bày tỏ thái độ bất ngờ để rồi đưa ra nguyên do biết rồi, khổ lắm, nói mãi: Sai sót từ khâu hậu kỳ.

Có thể đúng là sai sót từ khâu đó nhưng đã là người cố vấn về chuyên môn cho chương trình thì trước tiên hãy thể hiện trách nhiệm chung chứ không nên có cách ứng xử thiếu tinh tế và có phần phản cảm như vậy.

- Bác khó tính quá. Sai bộ phận nào bộ phận ấy phải chịu trách nhiệm chứ? Ai mà gánh hộ được?

- Đấy là lối ứng xử thiếu cầu thị, dễ gây mất đoàn kết. Đã cùng xuống thuyền xuôi dòng thì tất cả phải có trách nhiệm như nhau để đưa thuyền cập bến chứ bác?

- Đúng vậy...

- Không chỉ thế, sự cẩn trọng, trách nhiệm của nhà đài được thể hiện ở đâu khi xây dựng chương trình? Dù đưa ra mục đích rất lớn lao: “Tìm hiểu và khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt qua từ vựng, ngữ pháp, ca dao,... trong đời sống, đồng thời hướng đến gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt”, nhưng khi thực hiện thì vẫn còn đó những hời hợt, cẩu thả đến tắc trách thì sao tránh khỏi sai sót?.

Không phải đến bây giờ mà trong nhiều tập trước đó chương trình đã bị khán giả phản ứng vì những lỗi sai về việc giải nghĩa từ ngữ không chính xác, lệch lạc.

Những tưởng sau đó sẽ được rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng, thế mà vẫn tiếp tục là những cẩu thả, thiếu trách nhiệm cả như việc cố vấn chương trình “hững hờ” xác nhận với MC về nghĩa của từ chẳng có sự dứt khoát khi buông câu: “kiểu thế”... Vả lại, cái danh “Vua tiếng Việt” nghe cũng kệch cỡm, khéo khi người đoạt danh hiệu mà không dám… khoe.

Ngoài ra, sức ảnh hưởng của gameshow đến khán giả rất lớn, nhất là người trẻ. Vậy “Vua tiếng Việt” chịu trách nhiệm thế nào khi khán giả thâu nạp những kiến thức sai mà chương trình đã phổ biến đây?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ