Giám khảo là “người ngoài cuộc”
Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế cùng nỗi lo cạnh tranh gay gắt, lo không có khán giả của nhà sản xuất nên phải tìm bằng được những nghệ sỹ đang “hot” nhất mời vào ghế nóng để câu kéo rating mà không cần xét tới yếu tố chuyên môn.
Hoa hậu Phạm Hương và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên ngồi ghế nóng Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sỹ; Xuân Lan, Việt Trinh làm giám khảo cuộc thi âm nhạc Tôi là người chiến thắng… và còn rất nhiều những giám khảo không đúng chuyên môn khác đang “mọc lên” với tốc độ chóng mặt.
Bước ra khỏi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam với ngôi vị cao nhất, Hoa hậu Phạm Hương lập tức “sắm” ngay cho mình vị trí “ghế đỏ” trong chương trình Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sỹ.
Cô tiết lộ mình rất thích chương trình nên nhận lời làm giám khảo khách mời, sẽ nhận xét và đóng góp dưới góc độ của một khán giả theo dõi các tiết mục.
Cùng chung “chiến tuyến” với Phạm Hương là MC hải ngoại Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Đây là lần đầu cô làm giám khảo một cuộc thi mang tính “tạp kỹ” của Cười xuyên Việt.
MC Kỳ Duyên cho biết, lý do nhận lời làm giám khảo chương trình vì “cảm thấy không gì dễ dàng hơn là làm công việc ngồi để người ta chọc mình cười” (?!).
Mới đây, ca sỹ Tóc Tiên cũng vừa làm giám khảo cho chương trình Thử thách cùng bước nhảy. Dù từng giữ vị trí tương tự trong khá nhiều cuộc thi nhưng đây là lần đầu Tóc Tiên chấm một cuộc thi vũ đạo.
Tóc Tiên cho biết, cô từng tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này và sự nghiệp ca hát của cô cũng thường xuyên biểu diễn cùng vũ đoàn nên bản thân có một số kiến thức nhất định về vũ đạo. Cô sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá từ khía cạnh của số đông khán giả, đại diện cho góc nhìn của công chúng.
Đánh giá điều gì?
Ai cũng hiểu giám khảo là những người “cầm cân nảy mực” cho một cuộc thi, là người có thể đưa ra những lý lẽ, chỉ cho thí sinh biết họ còn thiếu sót ở điểm nào, và cần làm gì để cải thiện nó.
Để làm được điều này, cần thiết phải có những giám khảo nắm vững chuyên môn, am hiểu nội dung và lĩnh vực của cuộc thi. Bởi vậy, với những giám khảo chấm những cuộc thi không đúng chuyên môn của họ, nhiều người bày tỏ nghi ngại: “Không biết họ chấm, họ dạy thí sinh bằng cái gì?”.
Khi trở thành giám khảo của The winner is - Tôi là người chiến thắng 2015, siêu mẫu Xuân Lan đã hứng không ít “gạch đá” dư luận, cho rằng cô không đủ chuyên môn để đánh giá một cuộc thi âm nhạc.
Cô siêu mẫu đã đanh thép đáp lại: “Tôi không nói chuyện chuyên môn với thí sinh. Tôi chỉ quan tâm các bạn có làm cho tôi xúc động được hay không. Tôi sẽ chấm bằng cảm xúc của một người nghe, một người cảm nhận âm nhạc bình thường”.
Khi chương trình Cười xuyên Việt mời hoa hậu Phạm Hương làm giám khảo khách mời đã nhận rất nhiều bình luận trái chiều từ phía công chúng: “Một chương trình mang yếu tố hài mà cũng mời hoa hậu làm giám khảo sao?”.
Ban tổ chức Cười xuyên Việt cũng đưa ra lời bào chữa cho việc mời giám khảo “hỗn hợp” của mình: “Mỗi Giám khảo sẽ đại diện cho một nhóm đối tượng khác nhau để đưa ra những nhận xét theo góc nhìn của nhóm đối tượng đó.
MC Kỳ Duyên tuy không phải là diễn viên nhưng là người hoạt động trong lĩnh vực giải trí và am hiểu về diễn xuất. Hoa hậu Phạm Hương đại diện cho tầng lớp khán giả trẻ sẽ đưa ra những ý kiến từ góc nhìn của mình.
Sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ ở các lĩnh vực khác nhau giúp khán giả có cái nhìn đa chiều về các tiết mục dự thi và cũng giúp các nghệ sỹ hoàn thiện mình hơn”.
Đại diện một nhà sản xuất chương trình tiết lộ rằng, các giám khảo khách mời thường là những gương mặt có vị trí vững vàng trong lĩnh vực hoạt động của họ. Với tư cách là người đi trước, lời khuyên được đưa ra để các thí sinh hoàn thiện mình hơn trong tư cách của một nghệ sỹ nói chung.
Rõ ràng, phải thừa nhận rằng các giám khảo đều là những người tài năng, có vị trí trong showbiz và có đủ sức hút để lôi kéo khán giả, nhưng nếu quá lạm dụng điều này sẽ gây ra những “phản ứng ngược”, như việc những giám khảo thiếu chuyên môn, nhận xét ỡm ờ tạo nên một thế hệ nghệ sỹ cũng nhiều người “gà mờ”, “ít tài nhiều tật” của showbiz hiện tại, những người không biết mình đang đứng ở đâu.