Chương trình tiếng Anh tích hợp thành công: Hiệu quả từ hợp tác '4 nhà'

GD&TĐ - Cùng với CT tiếng Anh tăng cường, TPHCM còn ghi dấu ấn với Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp CT Anh và Việt Nam”.

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại điểm thi chuyên và tích hợp. Ảnh: M.A
Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại điểm thi chuyên và tích hợp. Ảnh: M.A

Đề án được đánh giá mang tính đột phá, tiên phong trong việc dạy - học và là trụ cột để thành phố thực hiện hiệu quả việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Hơn 30.000 học sinh tham gia

Ông Phan Văn Quang - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết: “Năm học 2015 - 2016, địa phương triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp tại 2 trường tiểu học và 2 trường THCS trên địa bàn, đến nay có 12 trường tiểu học và THCS tổ chức dạy tiếng Anh tích hợp. Đề án 5695 đã nhận được sự hỗ trợ và đồng thuận của phần lớn cha mẹ học sinh. Học sinh không chỉ phát triển ngôn ngữ tiếng Anh, mà còn tiếp cận tri thức, tư duy toán và khoa học thông qua môn Tiếng Anh. Chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh ở các trường có chuyển biến rõ rệt”.

Năm 2014, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5695 phê duyệt Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (chương trình tiếng Anh tích hợp) tại các trường công lập trên địa bàn TPHCM. Theo đó, chương trình được biên soạn tích hợp chương trình quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD&ĐT Việt Nam cho bộ môn Tiếng Anh, Toán, Khoa học, trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất học sinh.

Các nội dung kiến thức thuộc các môn trên của chương trình giáo dục Anh quốc được phân bố dựa trên khung chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Ngoài đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình khung cho các khối lớp của chương trình quốc gia Việt Nam, học sinh được học với một chương trình tiên tiến, cô đọng, giảm tải về nội dung và do 100% giáo viên người bản ngữ đảm nhận việc giảng dạy.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tham gia chương trình tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2014 chỉ có 18 trường ở 3 quận, huyện với 600 học sinh tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp.

Sau 10 năm thực hiện, chương trình có trên 160 trường học tại 20 quận, huyện với trên 30.000 học sinh tham gia. Trong đó, nguồn nhân lực để giảng dạy là đội ngũ được đào tạo và kiểm tra trình độ định kỳ. Giáo viên có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế như TESOL, CELTA hoặc TEFL.

Đội ngũ này thường xuyên được tham gia các khóa tập huấn chuyên sâu về giảng dạy các môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh. Khi thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp tại các trường học, phòng học được trang bị máy chiếu, bảng tương tác và các thiết bị hỗ trợ học tập hiện đại nhằm phục vụ việc giảng dạy. Ngoài ra, các trường triển khai phần mềm học tập và ứng dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ học sinh.

“Kết quả thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp trong 10 năm qua được thể hiện rõ qua chất lượng giáo dục. Cụ thể, tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi cấp tiểu học trên 93%, THCS và THPT trên 80%. Tỷ lệ đạt chứng chỉ Pearson Edexcel ở tiểu học là 86%, THCS là 92%, THPT 96%.

Hầu hết, học sinh đạt trình độ tương ứng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Bộ GD&ĐT và theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Đặc biệt, về chất lượng giáo dục có 5 học sinh đạt điểm cao nhất thế giới trong các kỳ thi chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel. 41 học sinh được Hội đồng Khảo thí quốc tế Pearson Edexcel trao giải học sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc và 119 học sinh được Hội đồng khảo thí quốc tế Pearson Edexcel trao giải học sinh đạt thành tích xuất sắc”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.

hieu-qua-tu-hop-tac-4-nha-2.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thuý trao Bằng khen của UBND TPHCM cho Sở GD&ĐT TPHCM và EMG Education vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 5695. Ảnh: M.A

4 điều kiện then chốt

Từ góc nhìn của đơn vị đồng hành triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp, bà Nguyễn Phương Lan - Tổng Giám đốc EMG Education đúc kết, chương trình tiếng Anh tích hợp thành công do đảm bảo được 4 điều kiện then chốt. Đầu tiên phải kể đến mô hình hợp tác “4 nhà” nhất quán, hiệu quả và thành công.

Trong đó, nhà quản lý đã lựa chọn và chỉ định các trường tham gia phù hợp; nhà trường đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp và điều hành công tác triển khai chương trình; nhà doanh nghiệp có nhiệm vụ phát triển khung chương trình, triển khai giảng dạy, bao gồm ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới và ứng dụng công nghệ cao trong giáo dục; nhà người học (phụ huynh - học sinh): Học sinh đóng vai trò trung tâm, trực tiếp tham gia quá trình học tập và thụ hưởng các giá trị giáo dục, phụ huynh đồng hành cùng học sinh và là điểm tựa cho sự phát triển của các em.

Cũng theo bà Lan, chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp có bằng cấp và trình độ chuyên môn cao, nắm vững các phương pháp tích hợp xuyên môn và liên môn. Họ có chuyên môn và kinh nghiệm sâu rộng trong phương pháp giảng dạy toán, khoa học hiệu quả bằng tiếng Anh với cách tiếp cận CLIL (Content and Language Integrated Learning - phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ).

“Với CLIL, giáo viên vừa dạy học sinh nội dung kiến thức mới của môn học, đồng thời phát triển ngôn ngữ tiếng Anh một cách tự nhiên và thực tế nhất. Trong quá trình học ngôn ngữ tích hợp nội dung, học sinh sẽ tiếp thu kiến thức chuyên môn toán - khoa học thông qua các bài học, đồng thời phát triển toàn diện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chính từ các hoạt động lồng ghép khéo léo của giáo viên trong giờ học”, bà Lan cho hay.

hieu-qua-tu-hop-tac-4-nha-1.jpg
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TPHCM). Ảnh: T.H

Cũng theo bà Lan, để đảm bảo sự thành công của đề án chính là việc xây dựng chương trình và ứng dụng công nghệ tiên tiến chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, chương trình tiếng Anh tích hợp theo Đề án 5695 được thiết kế đảm bảo mục tiêu và chuẩn của chương trình giáo dục Việt Nam và chuẩn Pearson Edexcel của Vương quốc Anh cho các bộ môn Toán, Tiếng Anh và Khoa học.

Trong đó, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua chính là việc áp dụng công nghệ trong quá trình dạy học. Chương trình tiếng Anh tích hợp đã và đang có những bước đột phá trong việc ứng dụng các nền tảng công nghệ, kỹ thuật, công nghệ AI và Metaverse vào giảng dạy và là một trong những chương trình đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022.

Chương trình đã nhanh chóng triển khai các giải pháp như chuyển đổi phương thức dạy trực tuyến, triển khai hệ thống học liệu trực tuyến LMS, ứng dụng công nghệ AI hỗ trợ luyện phát âm... nhằm mang đến trải nghiệm học tập tốt nhất, giúp các em tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại với tốc độ nhanh và kịp thời so với thế giới.

Đặc biệt, việc xây dựng môi trường ứng dụng tiếng Anh thực tiễn, học mọi lúc mọi nơi, không chỉ giới hạn trong các giờ học trên lớp cũng là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của đề án. Cụ thể, chương trình có nhiều nội dung học tập qua dự án (project-based learning), các hoạt động STEM, bài tập nhóm, thuyết trình, dự án làm phim bằng tiếng Anh… giúp học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh ở bên ngoài giờ học.

hieu-qua-tu-hop-tac-4-nha-4.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) trong giờ học tiếng Anh tích hợp. Ảnh: K.B

Tiền đề đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi đối với việc triển khai dạy ngoại ngữ trong đó thuận lợi cơ bản là người dân ủng hộ, vì thành phố có 99% học sinh học tiếng Anh từ lớp 1. Những năm qua, TPHCM thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông từ cấp tiểu học, THCS, THPT.

Cụ thể, chương trình tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường và đặc biệt, tháng 11/2014 triển khai Đề án 5695 - chương trình tiếng Anh tích hợp. Chương trình nhận được sự ủng hộ, đồng hành lớn của phụ huynh học sinh. Kết quả khả quan của Đề án 5695 là một trong những tiền đề quan trọng giúp TPHCM “tiến” thêm một bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Ở góc độ nhà trường, cô Trần Thị Hồng Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (Quận 1) cho rằng, Đề án 5695 có thể được xem là bước đột phá thành công của ngành Giáo dục thành phố về tầm nhìn chiến lược đối với công tác dạy học tiếng Anh. Đề án đã tạo những tác động tích cực cho nhiều đối tượng. Với mức chi phí học tập hợp lý nhưng học sinh được tiếp cận với chương trình học tập quốc tế, trong những năm qua, số lượng học sinh tham gia chương trình ngày càng tăng cho thấy sự đánh giá cao của cha mẹ học sinh đến chất lượng của chương trình.

“Khoảng 70% học sinh học chương trình tích hợp của trường tham gia đăng ký thi các chứng chỉ quốc tế tùy theo nguyện vọng và nhu cầu. 100% học sinh dự thi có kết quả các chứng chỉ từ đạt đến giỏi. Đặc biệt, có em đạt 35/36 điểm trong kỳ thi ACT tháng 12/2023, trong mức điểm tốp 1% thế giới.

Trong bối cảnh ngành Giáo dục hướng đến đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, việc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh là cần thiết. Nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên chương trình tích hợp cùng tham gia một số hoạt động để tăng cường môi trường sử dụng tiếng Anh cho giáo viên. Giáo viên của trường được tiếp cận chương trình dạy các môn bằng tiếng Anh, tạo tiền đề tốt để thực hiện mục tiêu”, cô Thủy chia sẻ.

Tương tự, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) nhận định, với chương trình trên, việc dạy và học tiếng Anh của trường không những phát triển theo hướng truyền thống, mà còn mở rộng các nội dung tiệm cận giáo dục quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh. Học sinh học chương trình tích hợp có năng lực tiếng Anh tốt, tự tin giao tiếp với bạn bè và giáo viên nước ngoài. Với nền tảng tiếng Anh tích hợp, nhiều em tự tin xin học bổng ở các trường học nước ngoài ngay từ cuối năm lớp 9.

Còn theo thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), học sinh trường công lập được học chương trình quốc tế với chi phí hợp lý là giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tiến đến mục tiêu hội nhập thế giới.

Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Đề án 5695 do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức cuối tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: “Đề án 5695 đã triển khai những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 29. Qua 10 năm thực hiện, thực tiễn chứng minh đề án mang lại hiệu quả tích cực, bền vững.

Đặc biệt, quá trình thực hiện đề án mang lại “6 chữ được” cho TPHCM gồm: Học sinh được nâng cao năng lực phẩm chất; Giáo viên được nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; Nhà trường được tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; Cán bộ quản lý được kết quả học tập, năng lực phẩm chất của học sinh; Phụ huynh được niềm vui, niềm tin với giáo dục, chính quyền; Ngành Giáo dục được thêm một mô hình trong nâng cao chất lượng giáo dục, xã hội hóa, hợp tác công tư”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ