Chương trình nông thôn mới đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Nhờ chương trình nông thôn mới, trường học khang trang, thư viện, sân chơi rộng rãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho thầy trò yên tâm dạy và học.

Thư viện khang trang của Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa. Ảnh NT.
Thư viện khang trang của Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa. Ảnh NT.

Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Phòng học kiên cố đảm bảo

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa có 410 học sinh trong đó 99% học sinh là người dân tộc thiểu số, gồm Thái, H'Mông, Kháng, Mường, Tày.

Trường đóng trên xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục, Ban giám hiệu chú trọng quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm.

Song song với đó, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà trường đã được đầu tư về cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp đảm bảo lớp học, phòng học từ trường trung tâm đến điểm trường.

Phòng học văn hóa đảm bảo 15 phòng/15 lớp. Các phòng chức năng, phòng học bộ môn, nhà đa năng đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Sân thể thao rộng hơn 3000m2, có các thiết bị thể dục tối thiểu để cho học sinh tập luyện nâng cao sức khỏe, thể chất.

Riêng phòng thư viện, diện tích hơn 100m2, có đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện cho giáo viên và học sinh mượn; có chỗ ngồi cho giáo viên, học sinh đọc sách tại chỗ.

Trường học được đầu tư khang trang, kiên cố thầy trò an tâm dạy và học. Ảnh NT.

Trường học được đầu tư khang trang, kiên cố thầy trò an tâm dạy và học. Ảnh NT.

Đặc biệt, nhà trường được đầu tư xây dựng dãy nhà hiệu bộ 2 tầng gồm các phòng làm việc, phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán, công đoàn, phòng hội đồng chuyên môn, phòng Đội, văn phòng đáp ứng được nhu cầu của nhà trường trong công tác quản lí.

“Nhờ vậy mà chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện, xã được đầu tư đường sá đi lại, phụ huynh thuận tiện trong việc đưa, đón con đến trường. Không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng vì đường đi lại khó khăn, nhà xa.

Các phòng học kiên cố mùa khiến thầy trò cũng an tâm học, không còn cảnh trong lớp bị mưa dột. Giáo viên cũng yên tâm công tác”, thầy Nguyễn Văn Bắc cho biết.

“Đối với các trường học ở vùng núi được đầu tư cơ sở vật chất sẽ tạo động lực cho học sinh, thầy cô phấn đấu, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt chương trình dạy và học. Phụ huynh cũng an tâm khi gửi con đến trường”, thầy Nguyễn Văn Bắc nói.

Diện mạo nhà trường thay đổi

Hiện tại, Trường Tiểu học số 1 Quài Nưa có 1 điểm trường lẻ với 115 học sinh, có 5 phòng học kiên cố. Chương trình nông thôn mới, điểm trường được xây dựng lại phòng học, lát sân, xây tường bao.

“Nhờ vậy, trường chúng tôi không còn tình trạng lớp ghép. Đặc biệt, chương trình GDPT 2018 nhiều hoạt động trải nghiệm vì vậy không còn lớp ghép học sinh sẽ tham gia các hoạt động học tập tốt hơn, thầy cô cũng sẽ giảm bớt được áp lực một lớp giảng dạy nhiều trình độ”, thầy Nguyễn Văn Bắc nói.

Thầy Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm, Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 đã thay đổi diện mạo của nhà trường cơ sở vật chất khang trang, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Thầy cô cũng có thể tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh để học trò phát triển năng lực của bản thân.

Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn Trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 và đảm bảo các điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới về lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2020-2025.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã Quài Nưa nhiệm kỳ 2020-2025 về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã cơ bản đã đạt 17/19 tiêu chí. Trong đó tiêu chí số 5 về giáo dục đào tạo đạt mức độ cao.

100% trường học trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia, có 1 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Xã đạt Phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập Giáo dục tiểu học mức 3, đạt chuẩn xoá mù chữ mức 2. Phổ cập THCS mức độ 3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.