Chương trình giáo dục mới giúp học sinh hứng thú, học tập sáng tạo

GD&TĐ - Đó là nhận định của cán bộ, giáo viên tỉnh Đồng Tháp khi tham góp ý kiến cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình giáo dục mới giúp học sinh hứng thú, học tập sáng tạo

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, cô Nguyễn Thúy Hà - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết, việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đã được Sở GD&ĐT tiến hành hết sức nghiêm túc và các ý kiến thu nhận được cũng khá phong phú.

Dự thảo phù hợp với mục tiêu, xu hướng giáo dục

Theo Phó giám đốc Nguyễn Thúy Hà, sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bên cạnh yêu cầu các đơn vị triển khai rộng rãi trong toàn bộ giáo viên tiến hành nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và góp ý về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Sở GD&ĐT Đồng Tháp cũng đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo nói trên với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.

Thành phần tham gia và có ý kiến cho hội thảo rất phong phú, từ các sở, ban, ngành hữu quan, đến các tổ chức Hội: Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Tâm lý - Giáo dục; Trường ĐH Đồng Tháp; cán bộ quản lý giáo dục và các giáo viên của các cấp học tiểu học, THCS và THPT; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn Sở và lãnh đạo Sở. Nhìn chung, hầu hết đều thống nhất và đánh giá cao công tác chuẩn bị, biên soạn, lấy ý kiến đối với dự thảo Chương trình.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà  

Cụ thể, về mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu về phẩm chất năng lực, điều kiện thực hiện chương trình, và phát triển chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Phương pháp luận phù hợp trong việc xác định vai trò của các môn học, và việc đổi mới về phương thức tổ chức các hoạt động.

Các đại biểu cũng thống nhất với đổi mới về cách tiếp cận giáo dục: Tiếp cận học sinh theo hướng phát triển năng lực; các phẩm chất cơ bản cần hình thành cho học sinh ở mỗi cấp học; hình thành năng lực nhằm đáp ứng các phẩm chất.

Đồng thời, thống nhất và đánh giá cao Dự thảo với ý kiến: Dự thảo phù hợp với mục tiêu, tình hình giáo dục và xu hướng giáo dục hiện nay, hình thành phẩm chất và năng lực cơ bản cho học sinh, đồng thời đáp ứng yêu cầu của ngành, xã hội, của cha mẹ học sinh và học sinh; thống nhất chủ trương, quan điểm, mục tiêu giáo dục và thiết kế dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Ngoài việc kế thừa các ưu điểm của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn có lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp từng cấp học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT đã thiết kế tương ứng theo hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).

Những khó khăn trong việc dạy học tích hợp và dạy học phân hoá đã được đề cập và giải đáp trong Tài liệu Hỏi - Đáp về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Có thể nói, nếu so sánh với chương trình giáo dục hiện hành, chương trình giáo dục mới giúp học sinh hứng thú hơn, học tập sáng tạo hơn. Đặc biệt là đổi mới hoạt động giáo dục là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Với chương trình mới, ở bậc THPT, học sinh được học theo sở thích, sở trường của mình. Như vậy, định hướng được khả năng của người học và rất phù hợp xu thế chung của thời đại.

Nhiều trao đổi liên quan đến môn tự chọn

Phó giám đốc Nguyễn Thúy Hà cho biết, những nội dung liên quan đến môn học tự chọn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. Có ý kiến cho rằng, việc học sinh tự chọn môn học xảy ra trường hợp thừa hoặc thiếu so với tiết chuẩn, sẽ cần có giải pháp đối với trường hợp giáo viên dạy chưa đủ theo số tiết chuẩn quy định...

Trong cả cấp học, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn tạo thuận lợi cho học sinh trong việc lựa chọn môn học qua các năm, nhưng sẽ gây khó khăn trong định hướng nghề nghiệp vì mạch kiến thức không được nâng cao trong suốt quá trình định hướng nghề nghiệp ở lớp 10, 11, và 12.

Đối với các trường hiện nay chưa có giáo viên chuyên trách về Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc và Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nếu học sinh chọn các môn học này, nhà trường có thể gặp khó khăn. Do đó, cần lưu ý hoạt động đào tạo trong trường đại học và công tác tập huấn của ngành.

Có ý kiến băn khoăn về chất lượng môn học đối với các môn Khoa học Tự nhiên (KHTN) - Hoá học, Vật lý, Sinh học và môn Khoa học Xã hội ( KHXH) - Lịch sử, Địa lí. Nếu chỉ có 1 giáo viên dạy, có thể ảnh hưởng kiến thức chuyên sâu của từng bộ môn; rồi cách tổ chức bồi dưỡng chuyên môn như thế nào đối với giáo viên chuyên các môn Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lí để có thể đảm nhận tốt các môn học KHTN, KHXH.

Trong dự thảo, quy định đối với cấp THCS, mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học; mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Do vậy, nếu kể luôn tiết chào cờ hàng tuần và tiết sinh hoạt chủ nhiệm thì mỗi 1 buổi phải dạy 5 tiết.

Chương trình cũng biên soạn theo kế hoạch 2 buổi/ngày: Buổi sáng dạy 4 tiết, chiều 3 tiết là giảm áp lực cho học sinh buổi sáng. Tuy nhiên, đối với trường cơ sở vật chất (phòng học thiếu), gia đình học sinh điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh không tham gia đầy đủ học 2 buổi/ngày thì các học sinh này sẽ không tham gia học buổi chiều, do đó sẽ không theo kịp bạn bè.

Nhấn mạnh đến các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Trải nghiệm sáng tạo là nội dung mới và nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Liên quan đến hoạt động này, nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một trong những hoạt động trải nghiệm sáng tạo không thể thiếu và bắt buộc đối với giáo dục.

Ngoài ra, phải nêu rõ những hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần thiết tối thiểu thực hiện trong nhà trường; đưa ra các hoạt động phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi của học sinh; cách thức tổ chức từng hoạt động... 

Cũng cần phải ra quy chế tăng cường kinh phí cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; mục tiêu và cơ chế phối hợp tốt để đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xem đây là hoạt động của toàn xã hội vì mục tiêu đổi mới.

Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh phải gắn với sản xuất của địa phương, phục vụ mục đích kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu của giáo dục toàn diện. Hoạt động này phải được kiểm tra thường xuyên.

Thêm nữa, việc thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo còn phụ thuộc vào năng lực và tâm huyết của giáo viên, vì vậy nhiều ý kiến đề xuất cần có những cách thức và chính sách phù hợp...

Ngoài những đề xuất liên quan đến hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cô Nguyễn Thúy Hà cho biết, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn đưa môn học Giáo dục hướng nghiệp vào chương trình THCS.

Đối với các trường chuyên biệt: Bên cạnh các trường áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông chính quy, đề nghị bổ sung vào hệ thống giáo dục phổ thông tổng thể các trường thực nghiệm, các trường năng khiếu (trường chuyên), các trường giáo dục đặc biệt. Các trường này là những bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục phổ thông tổng thể, mặc dù áp dụng chương trình giáo dục riêng.

Cần xây dựng các điều kiện thực hiện chương trình

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, điều kiện thực hiện Chương trình, có ý kiến đề xuất cần xây dựng các điều kiện thực hiện chương trình, điều kiện thực hiện môn, sự phối hợp giáo dục của các ngành hữu quan.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần đặc biệt quan tâm, trong đó lưu ý phương thức bồi dưỡng để hình thành năng lực giáo viên về dạy học; công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại. Khi tổ chức tập huấn giáo viên giảng dạy sách giáo mới, có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến dành cho tất các giáo viên theo từng bộ môn tham dự.

Nhiều ý kiến đề nghị được tiếp cận với chương trình chi tiết và tham khảo sách giáo khoa mới trên nhiều kênh thông tin để có sự phản hồi góp ý từ nhiều phía, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về việc thực hiện chương trình...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ