Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có tính khả thi cao

GD&TĐ - Từng tham gia các hội thảo góp ý về chương trình, SGK mới do Bộ GD&ĐT tổ chức, TS Nguyễn Văn Bản – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp – nhận định: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố có tính khả thi cao, có thể đáp ứng tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có tính khả thi cao

Nhiều ưu điểm và khả thi

TS nhận định như thế nào về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến dư luận rộng rãi?

- Nhìn một cách khái quát, Chương trình giáo dục phổ thông (CT.GDPT) tổng thể có những ưu điểm cơ bản sau:

Thứ nhất: Chương trình được xây dựng trên quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Trong đó, 3 nhóm phẩm chất chủ yếu được coi trọng là: Sống yêu thương; Sống tự chủ; Sống trách nhiệm, và 8 nhóm năng lực mà học sinh phổ thông Việt Nam cần có và được phát triển:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bản – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp  

Năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tính toán; năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Thứ hai: Lần đầu tiên chúng ta có một CT.GDPT thể hiện tính hệ thống và liên thông giữa các cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) không bị cắt khúc, cắt đoạn.

Điều này sẽ dẫn đến việc xác định tri thức cần cung cấp cho học sinh mang tính hệ thống, có sự nâng cao dần và không trùng lặp giữa các cấp học. 

Sẽ không có hiện tượng ở cấp học trên dạy lại những kiến thức học sinh đã học ở cấp học dưới như các chương trình giáo dục trước đây.

Chương trình cũng thể hiện giáo dục tri thức toàn diện thống nhất giữa các cấp học với 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và Văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.

Thứ ba: Đây cũng là lần đầu tiên Ban Biên soạn CT.GDPT tổng thể xác định rõ CT.GDPT 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).

Thứ tư: Khung CT.GDPT tổng thể (thông qua dự kiến về số môn học, số tiết học của mỗi môn, số môn học bắt buộc và tự chọn…) đã thể hiện rõ hướng giảm tải kiến thức so với các chương trình trước đây.

Điểm mới của CT.GDPT lần này là ngoài chú trọng các môn học bắt buộc còn quan tâm đến các môn học tự chọn (ba nhóm môn tự chọn: Tự chọn 1, tự chọn 2, tự chọn 3) để học sinh có thể lựa chọn các môn học phù hợp với sở thích, năng khiếu, sở trường của cá nhân. Trên cơ sở đó mà phát huy những năng lực tiềm ẩn ở mỗi học sinh.

Đặc biệt, chương trình đã quan tâm đến hoạt động (cũng là môn học) trước đây chưa được quan tâm đúng mức là “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”.

Theo quan niệm của Ban Biên soạn chương trình thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo “là hoạt động giáo dục trong đó từng học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc trong xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm riêng của cá nhân. 

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động được coi trọng trong từng môn học; đồng thời trong kế hoạch giáo dục cũng bố trí các hoạt động trải nghiệm sáng tạo riêng, mỗi hoạt động này mang tính tổng hợp của nhiều lĩnh vực giáo dục, kiến thức, kỹ năng khác nhau”.

Thứ năm: Về định hướng xây dựng các Chương trình môn học, CT.GDPT tổng thể đã chỉ rõ ở mỗi giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục nghề nghiệp, các môn học đều có những nhiệm vụ và mục tiêu khác nhau.

Chương trình môn học giai đoạn giáo dục cơ bản trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và cần thiết để học sinh có khả năng tự học, đạt được những phẩm chất và năng lực thiết yếu, nhất là các năng lực chung, thấy rõ sở trường, năng lực của mình để tự tin tham gia cuộc sống lao động hoặc tiếp tục học lên.

Giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, chương trình được phân hoá mạnh, ngoài những môn bắt buộc, học sinh được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập, trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp để học sinh có kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản được định hướng theo lĩnh vực nghề nghiệp, phù hợp với năng khiếu và sở thích, phát triển tiềm năng cá nhân chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Thứ sáu: CT.GDPT tổng thể cũng vẫn xác định đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục là những giải pháp quan trọng để chương trình triển khai có hiệu quả.

"Khung CT.GDPT tổng thể (thông qua dự kiến về số môn học, số tiết học của mỗi môn, số môn học bắt buộc và tự chọn…) đã thể hiện rõ hướng giảm tải kiến thức so với các chương trình trước đây" - TS Nguyễn Văn Bản.
Ngoài ra, CT.GDPT tổng thể cũng đặt ra vấn đề phát triển chương trình - nội dung chưa từng được đặt ra chính thức trong các chương trình giáo dục trước đây.

Việc phát triển chương trình là cách làm khoa học để chương trình luôn luôn được tổ chức đánh giá, xem xét, điều chỉnh nếu cần thiết.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT cũng cho phép các nhà trường được phép (và được yêu cầu) xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

Theo TS, liệu CT.GDPT tổng thể có khả thi so với điều kiện dạy học hiện nay của Việt Nam?

- Nhìn chung, dự thảo CT.GDPT tổng thể đã được xây dựng khá công phu dựa trên những cơ sở khoa học, những thành tựu, kinh nghiệm của giáo dục trong và ngoài nước.

Đồng thời, trước khi công bố chương trình, Bộ GDĐT cũng đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến từ các chuyên gia, các nhà giáo dục, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục, các địa phương, các trường đại học cao đẳng để có được chương trình này.

Vì thế, theo tôi, CT.GDPT tổng thể này có tính khả thi cao, có thể đáp ứng tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sứ mệnh quan trọng của các trường sư phạm 

"Trường ĐH Đồng Tháp đã và đang tổ chức cho giảng viên nghiên cứu tiếp cận chương trình một cách tích cực và từng bước thực hiện những nhiệm vụ nêu trên để thực hiện sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học phổ thông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước đáp ứng thực hiện chương trình GDPT cũng như thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT" - TNguyễn Văn Bản

 Để thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa mới, các trường sư phạm, trong đó có Trường ĐH Đồng Tháp có sứ mệnh như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng, các trường sư phạm hoặc có đào tạo ngành sư phạm nói chung cũng như Trường ĐH Đồng Tháp (vẫn lấy đào tạo sư phạm làm cốt lõi với 65% sinh viên của trường là sinh viên sư phạm) nói riêng có sứ mệnh vô cùng quan trọng là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đóng góp vào sự thành công của CT.GDPT lần này thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng như:

Thứ nhất, các trường sư phạm phải tiếp cận nhanh chóng CT.GDPT tổng thể cũng như các chương trình của từng cấp học, môn học mà Bộ GD&T tiếp tục công bố sau chương trình này để chủ động trong việc xây dựng, phát triển đổi mới chương trình đào tạo giáo viên các cấp học của từng trường nhằm đáp ứng việc thực hiện chương trình có hiệu quả trong thời gian tới;

Thứ hai, các trường sư phạm phải là những thành viên tích cực tham gia vào việc xây dựng các chương trình môn học cụ thể ở các cấp học, tham gia biên soạn sách giáo khoa mỗi môn học ở các cấp học tuỳ vào năng lực của mỗi trường để triển khai CT.GDPT tổng thể;

Thứ ba, các trường sư phạm phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ GD&T cũng như các cơ quan quản lý giáo dục ở các địa phương để tham gia tích cực vào việc chuẩn bị tài liệu, tham gia giải đáp cho giáo viên các cấp học trong các đợt bồi dưỡng sắp tới để họ hiểu và đủ năng lực thực hiện chương trình có hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Một số góp ý về thời lượng môn học

Được tham gia vài lần các cuộc hội thảo góp ý cho CT.GDPT tổng thể do các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT tổ chức, tôi đã nhận thấy sự tiếp thu của Ban soạn thảo Chương trình đối với ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, giảng viên các trường đại học thông qua các hội thảo để chỉnh sửa và hoàn thiện CT.GDPT tổng thể.

Điều này thể hiện ở cách dùng một số thuật ngữ, một số tên gọi chỉ các nhóm phẩm chất, các nhóm năng lực; cách đặt tên các môn học ở mỗi cấp học theo từng lĩnh vực giáo dục. Với dự thảo CT.GDPT tổng thể Bộ GD&ĐT công bố lần này, tôi chỉ góp ý về thời lượng học các môn học trong chương khung như sau:

Ở cấp Tiểu học, thời lượng học môn Ngoại ngữ 1 (bắt buộc) được học từ lớp 3, mỗi tuần 4 tiết là hơi nhiều nên giảm còn 3 tiết/ tuần. Thiết nghĩ cấp học này, học sinh cần hoàn thiện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt hơn là cần giỏi ngay ngoại ngữ. Nếu giảm một tiết học ở môn Ngoại ngữ 1 thì có thể tăng cho môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo từ lớp 3 thêm mỗi tuần 1 tiết.

Ở cấp Trung học cơ sở, môn học Khoa học Xã hội (bắt buộc) ở mỗi lớp CT.GDPT tổng thể dự thảo chỉ ghi 3 tiết/tuần nên tăng thêm 1 tiết để có 4 tiết/tuần như môn Khoa học Tự nhiên (bắt buộc). Hiện nay, do chưa nhận thức đúng về các môn khoa học Xã hội nên việc giáo dục nhân cách, phẩm chất cho học sinh cũng còn nhiều hạn chế.

Ở cấp Trung học phổ thông, chương trình môn Ngữ văn 1 (bắt buộc) ở cấp trung học phổ thông mỗi lớp đều chỉ có 2 tiết/tuần như vậy có quá ít và có đủ thời lượng để học sinh tiếp cận với những tri thức về ngôn ngữ và văn học cần thiết ở cấp học này không? (những dự thảo CT.GDPT tổng thể công bố ở các hội thảo trước đây chưa có số tiết học cụ thể cho mỗi môn học) - TS Nguyễn Văn Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.