Trao quyền chủ động cho địa phương và nhà trường
Ông Thanh khẳng định: Chương trình mới có tính hệ thống và liên thông giữa các bậc học, không bị cắt khúc, cắt đoạn; hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo nội dung giữa các môn học và các cấp học (từng bước khắc phục những hạn chế của nền giáo dục hiện hành). Chương trình có lối mở, trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường; Ngoài các môn học bắt buộc, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là xuyên suốt còn có các môn học tự chọn, chuyên đề học tập để phù hợp điều kiện của địa phương, sở thích, năng khiếu, sở trường của học sinh.
Chương trình đã đảm bảo tính tích hợp và phân hóa cao, sau giai đoạn giáo dục cơ bản học sinh có nhiều lựa chọn để định hướng nghề nghiệp tương lai. Có những môn học đã đưa vào cấp THPT như Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục kinh tế và pháp luật… đảm bảo sự giáo dục liên tục giữa các cấp học, tạo điều kiện để học sinh chọn ngành, nghề phù hợp và nâng cao chất lượng đào tạo sau khi học xong giáo dục phổ thông; Không như trước kia học sinh sau khi học xong THPT vẫn chọn thi các chuyên ngành âm nhạc, hội họa, kiến trúc... nhưng thực ra không được học liên tục các môn học đó đến hết THPT…
Những góp ý để Chương trình mới khả thi
Ông Thanh cho biết, đa số các giáo viên phổ thông tại tỉnh Phú Thọ về cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo chương trình. Mục tiêu ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp có thể dễ dàng thực hiện được đối với các trường ở các thành phố lớn và một số trường có điều kiện thuận lợi; Tuy nhiên, với đại đa số các trường vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn sẽ khó thực hiện được. Ví dụ như học sinh muốn chọn tổ hợp môn có Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học máy tính, Thiết kế và công nghệ, Tin học ứng dụng... nhưng trường lại không thể đáp ứng được, khi đó mục tiêu phân hoá sâu để định hướng nghề nghiệp sẽ khó thực hiện được.
Về kế hoạch giáo dục, định hướng nội dung giáo dục, chương trình vẫn còn biểu hiện quá tải cho học sinh, số lượng tiết học ở chương trình vẫn quá cao. Chương trình cấp THCS, THPT các môn học thực chất không thay đổi mà còn thêm một số môn tự chọn, số tiết học 5 tiết mỗi ngày và mỗi tuần được 29 - 30 tiết học. Về số môn học và thời lượng tiết học ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp còn nặng: Lớp 10: Tổng số môn học là 17 (tối đa kể cả môn tự chọn), thời lượng số tiết học trung bình 1 tuần của các môn học là 30 tiết. Lớp 11 và lớp 12: Ngoài 4 môn học bắt buộc và 2 môn học bắt buộc có phân hóa, học sinh phải chọn ít nhất 3 môn tự chọn bắt buộc và 1 chuyên đề học tập, dẫn đến có môn học được chọn nhiều, có môn học được chọn ít. Do đó việc bố trí sử dụng lao động và phân công nhiệm vụ cho giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Theo ông Thanh, về nội dung môn học Trải nghiệm sáng tạo: Dự thảo cần nhấn mạnh hơn đến các hoạt động giúp học sinh làm quen nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, lao động và sản xuất; có cơ chế về kinh phí và sự phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện khả thi nội dung này.
Chương trình mới không còn các hoạt động giáo dục như: Hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục lao động.... Một số hoạt động giáo dục trong nhà trường như: Tiết chào cờ, sinh hoạt lớp, thời lượng nghỉ hè của học sinh... chưa được thể hiện, như vậy sẽ khó khăn cho nhà trường khi triển khai, trong khi thời lượng các môn học đã chiếm tối đa tiết học trong tuần, không phải trường nào cũng có điều kiện học 2 buổi/ngày để tổ chức các hoạt động. Các môn học bắt buộc có phân hóa hoặc tự chọn như: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Giáo dục nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Tiếng dân tộc thiểu số... là những môn học mới sẽ khó khăn cho giáo viên và học sinh khi dạy - học.
Đối với bậc tiểu học: Tên gọi của các môn học trong chương trình giáo dục nên ngắn gọn, gần gũi và dễ nhớ phù hợp với tâm lí, lứa tuổi học sinh, không nên đặt tên môn học quá cao xa, hàn lâm.
Then chốt là vấn đề đội ngũ giáo viên
Để thực hiện Chương trình mới, ông Thanh khẳng định: Vấn đề đội ngũ giáo viên là khâu then chốt. Hiện nay có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn rất cao, được đào tạo chủ yếu chuyên sâu một chuyên ngành, tuy vậy chất lượng dạy học vẫn chưa cao. Đứng trước yêu cầu thay đổi môn học, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá thì việc tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ là một khó khăn (kinh phí ra sao, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng...) trong khi lộ trình triển khai chương trình bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 sẽ là một thách thức lớn với ngành Giáo dục.
Trong Chương trình mới xuất hiện một số môn học mới, lạ (ở các bậc học) chắc chắn nội dung môn học sẽ thay đổi, trong khi đó về cơ bản đội ngũ thầy, cô giáo hiện nay được đào tạo ở giai đoạn trước.... thì khi thực hiện Chương trình mới chất lượng giáo dục sẽ không cao, việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ để dạy học có hiệu quả là một bài toán khó. Đối với các môn tự chọn, chắc chắn dẫn đến tình trạng có môn học được chọn nhiều, có môn học được chọn ít. Sự lựa chọn này ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng lao động và phân công nhiệm vụ cho giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu môn học tự chọn của học sinh thì biên chế ngành GD sẽ tăng lên rất nhiều trong khi đó hiện nay đang thực hiện “tinh giản biên chế”.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới, điều kiện về cơ sở vật chất là hết sức quan trọng; các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thậm chí bổ sung, cải tạo phòng bộ môn, phòng học Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục nghệ thuật cho phù hợp... Trong khi đó, các địa phương hết sức hạn hẹp kinh phí, các chương trình mục tiêu quốc gia đã thu hẹp nên rất khó khăn đáp ứng điều kiện này…