Chương trình GD phổ thông mới: Môn Tin học sẽ đề cập nhiều đến trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Nhằm chuẩn bị cho học sinh những kiến thức ban đầu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình môn Tin học sẽ có một số chủ đề như: Giới thiệu về Khoa học máy và dữ liệu, giới thiệu trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây.

Môn Tin học mới sẽ là môn học bắt buộc, chính thức
Môn Tin học mới sẽ là môn học bắt buộc, chính thức

Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông về chương trình môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Môn Tin học giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa, hỗ trợ đắc lực học sinh tự học và tập nghiên cứu.

Môn Tin học sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả các môn học.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, vị trí, vai trò của môn Tin học có nhiều thay đổi: Từ lớp 3 đến lớp 9, Tin học là môn bắt buộc có phân hóa (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn). Ở cấp THPT, Tin học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo 2 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính (trong chương trình hiện hành không phân hóa).

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực ứng dụng tin học, làm quen và sử dụng Internet; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính và hệ thống máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong chia sẻ và trao đổi thông tin.

Ở cấp tiểu học, học sinh chủ yếu học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập và sử dụng thiết bị kỹ thuật số tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, đồng thời bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.

Ở cấp trung học cơ sở, học sinh học sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng làm ra các sản phẩm phục vụ học tập và sinh hoạt; thực hành phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công cụ và các hệ thống tự động hoá của công nghệ kỹ thuật số; học tổ chức lưu trữ, quản lý, tra cứu và tìm kiếm dữ liệu số, đánh giá và lựa chọn thông tin.

GS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo giới thiệu chương trình giáo dục phổ thông mới
GS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo giới thiệu chương trình giáo dục phổ thông mới

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nội dung môn Tin học được tổ chức từ các chủ đề bắt buộc và chủ đề lựa chọn theo định hướng Tin học ứng dụng hoặc theo định hướng Khoa học máy tính.

Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng mục đích sử dụng máy tính và hệ thống máy tính để nâng cao hiệu quả học tập, làm việc, góp phần phát triển năng lực thích ứng và năng lực phát triển các dịch vụ kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của cuộc sống con người trong xã hội số hoá.

Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lý hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy tin học, năng lực tìm tòi khám phá, năng lực phát triển phần mềm và dịch vụ giá trị gia tăng trên hệ thống máy tính.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm, học sinh có thể chọn học một số chuyên đề (35 tiết/lớp/năm) tùy theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp.

Những chuyên đề thuộc định hướng Tin học ứng dụng nhằm tăng cường thực hành ứng dụng Tin học, giúp học sinh thành thạo hơn trong sử dụng các phần mềm thiết yếu để làm ra sản phẩm thiết thực cho học tập và cuộc sống.

Những chuyên đề thuộc định hướng Khoa học máy tính nhằm tăng cường kiến thức về thiết kế thuật toán và ứng dụng của một số mô hình tổ chức dữ liệu, đồng thời đem đến cơ hội thực hành tạo trang web và lập trình điều khiển robot cho học sinh.

Để đảm bảo việc dạy học theo chương trình môn Tin học, các cơ sở giáo dục cần phải có trang thiết bị tối thiểu như: Phòng máy tính của nhà trường phải được kết nối Internet và nối mạng LAN, các máy tính để bàn cần có cấu hình đáp ứng cài đặt được các hệ điều hành và phần mềm thông dụng, có loa, tai nghe, micro, camera.

Cần đảm bảo trong giờ học thực hành số lượng tối đa học sinh sử dụng chung một máy tính ở tiểu học là 3, ở trung học cơ sở là 2 và ở trung học phổ thông là 1 học sinh. Mỗi phòng học tin học (cả lý thuyết và thực hành) cần có một máy chiếu.

Trong giờ học chuyên đề về Robot mỗi nhóm 8 học sinh cần có ít nhất 1 Robot giáo dục để sử dụng. Các máy tính của nhà trường cần được cài đặt hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng có bản quyền, mã nguồn mở hoặc miễn phí.

Các trường nên trang bị thêm các thiết bị kĩ thuật số hiện đại như máy ảnh số, máy tính bảng, thiết bị thông minh, điện thoại thông minh, robot giáo dục... Với những trường chưa đủ điều kiện, có thể thu thập hình ảnh các thiết bị đó trên mạng để giới thiệu cho học sinh.

Tải nội dung chương trình Giáo dục phổ thông môn tin học TẠI ĐÂY >>>>

Môn Tin học có sứ mạng giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tin học với 5 thành phần:

1. Sử dụng và quản lí các phương tiện CNTT và truyền thông

2. Ứng xử phù hợp trong môi trường số

3. Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của CNTT và truyền thông

4. Ứng dụng CNTT và truyền thông trong học tập và tự học

5. Hợp tác truyền thông trong môi trường số

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.