Đặt cọc đấu giá gần 10 tỷ đồng
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết, UBND huyện Chương Mỹ đã có chỉ đạo Phòng Tư pháp, Công an huyện phối hợp với xã để bảo vệ cho buổi đấu giá lô gỗ sưa thu được từ hai cây sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi ở thôn Phụ Chính. Xã đã giao lực lượng công an xây dựng kế hoạch, phục vụ công tác bảo vệ bảo đảm ANTT trên địa bàn.
“Xã cũng giao cho thôn thông báo tuyên truyền rộng trong nhân dân về buổi đấu giá. Bởi tài sản do thôn, cộng đồng dân cư quản lý sử dụng. UBND huyện có chỉ đạo, phối hợp triển khai các phương án đảm bảo ANTT cho sự kiện trên…”, ông Chính thông tin.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp Hà Nội), ngày 1/7 là thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ tham gia đấu giá và hết ngày 2/7 sẽ kết thúc việc nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 4/7 tới. Người tham gia đấu giá lô gỗ sưa phải đặt trước tiền tăng giảm theo nhóm gỗ được phân loại nói trên. Cụ thể, nhóm đặc biệt phải đặt trước 9,8 tỷ đồng, nhóm 1 phải đặt trước 7,4 tỷ đồng, nhóm 2 là 1,8 tỷ đồng, nhóm 3 là 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, khách hàng muốn mua gốc và rễ cây cũng phải đặt trước 1,5 tỷ đồng.
Dự kiến mức đấu giá gỗ sưa trăm tỷ chia ra làm nhiều mức giá phụ thuộc vào chất lượng gỗ. Nếu gỗ đường kính to, dài thì mức giá cao hơn. Cụ thể, có các mức giá 32, 28, 22 và 15 triệu đồng mỗi kg. Riêng rễ và gốc nhỏ là 6,5 triệu đồng/kg…
Theo người dân thôn Phụ Chính, năm 2010 thương lái đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho mỗi cây sưa. Trong năm này, người dân cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Năm 2013, trong lúc mưa bão một nhánh sưa lớn đã bị kẻ trộm lấy đi. Trước hiện tượng mối mọt, người dân nhiều lần đề nghị được bán cây sưa.
Đến tháng 10/2018, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật. Gỗ sưa sau đó được chuyển vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, dân làng quây thép B40, lắp camera an ninh xung quanh và cắt cử người thay phiên nhau trông giữ. Số tiền trông giữ được chi trả từ chính tiền bán số gỗ sưa nói trên. Đến ngày 27/1, người dân thôn Phụ Chính đã tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ này.
|
Tạo sự minh bạch
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm nhận định: “Sự việc này diễn ra nhiều năm qua tại TP Hà Nội. Có thể nói đây là một cuộc khủng hoảng pháp lý mà chính quyền và người dân chưa nắm được các quy định của pháp luật liên quan nên đã có những bước đi chưa phù hợp. Sau một thời gian dài trao đổi qua lại, các bên đã có những nhận thức phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, tài sản này là của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính. Đây là loại tài sản được phép quản lý, khai thác của người dân mà không phải xin phép chính quyền theo các quy định về lâm nghiệp…”, Luật sư Tú phân tích.
Luật sư Trương Anh Tú cũng đặt câu hỏi, liệu giá trị của số gỗ sưa nói trên có tương đương với cách đây 23 năm khi có những người trả giá 100 tỷ đồng hay không; trong trường hợp nếu mức giá thấp thì vấn đề đặt ra ở đây là tính minh bạch trong quá trình đánh giá.
LS Trương Anh Tú nhận định, việc bán đấu giá này là hình thức được người dân thôn Phụ Chính tự nguyện. Đây là một tài sản không bắt buộc phải được bán đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá. LS Tú cho rằng, số tiền đặt cọc khá lớn. Tuy nhiên, nó lại hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Đấu giá là không vượt quá 20%, mức khởi điểm của giá trị hàng hóa được đem ra bán đấu giá, cho nên mặc dù mức này là cao nhưng cũng không vi phạm pháp luật.
“Người dân thôn Phụ Chính có lãnh đạo thôn, có người đại diện của mình tại sao lại không mời những người có nhu cầu mua đến xem ai trả giá cao nhất, phương thức mua bán phù hợp nhất thì bán cho thuận tiện? Việc bán đấu giá chắc chắn sẽ mất đi một khoản phí cho đơn vị tổ chức đấu giá, tuy nhiên nó lại đem đến sự minh bạch”, LS Trương Anh Tú nhận định.