Bán thuốc không cần đơn
Ngày 23/9, phóng viên Báo GD&TĐ có mặt tại nhà thuốc có tên gọi Pharmacity (số 7, đường Hữu Hưng, Nam Từ Liêm, Hà Nội), trong vai khách hàng có nhu cầu mua thuốc kháng sinh có tên Amoxicillin 500mg.
Một nhân viên nữ trẻ tuổi đứng tại quầy không đeo biển tên, không cần hỏi đơn thuốc, bệnh tình mà bán luôn thuốc cho khách. Nhân viên không hướng dẫn khách hàng cách sử dụng liều, lượng thuốc.
Công ty Cổ Phần Dược Phẩm Pharmacity giới thiệu là đơn vị có chuỗi nhà thuốc uy tín hàng đầu Việt Nam. Với hơn 12 năm hoạt động, Pharmacity tự hào là người bạn đồng hành tin cậy của hàng triệu người dân Việt Nam trên hành trình nâng cao chất lượng sức khỏe. Hệ thống gần 1.000 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên toàn quốc trải dài 40 tỉnh thành, cùng đội ngũ gần 5.000 dược sĩ, Pharmacity mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận tâm và trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho mọi khách hàng.
Trên tấm biển cửa hàng hiển thị thông tin người phụ trách chuyên môn là: “Dược sĩ Từ Giang Lam; giấy phép số: 03-8492/ ĐKKDD”. Khi bày tỏ nhu cầu mua thuốc tăng cường sinh lý (thuốc bắt buộc bán theo đơn), phóng viên Báo GD&TĐ được nhân viên này giới thiệu một số loại thuốc.
Cùng ngày, phóng viên Báo GD&TĐ đến nhà thuốc Pharmacity có địa chỉ tại số 233 - 233A phố Đặng Tiến Đông (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Tại đây có 2 nhân viên trẻ tuổi đứng quầy, có đeo biển tên nhưng không rõ. Hỏi mua vỉ kháng sinh Ampicillin 500mg, nhân viên thông báo hết loại thuốc này và giới thiệu với chúng tôi loại thuốc kháng sinh khác có công dụng tương tự. Tuyệt nhiên, những nhân viên này không hề hỏi đơn thuốc hay tiểu sử bệnh.
Trên biển hiệu nhà thuốc này ghi: “Dược sĩ: Nguyễn Thị Vinh Huệ; giấy phép số 03-6066/ĐKKDD-HNO”.
Ngày 24/9, phóng viên tìm đến nhà thuốc Pharmacity có địa chỉ tại V7 - B08 (lô TTDV 01) Khu đô thị mới An Hưng (La Khê, Hà Đông, Hà Nội). Tấm biển treo cửa nhà thuốc này thể hiện: “Dược sĩ: Đào Thị Hoài; giấy phép số: 03-9494 ĐKKDD-HNO”.
Tại đây, một nữ nhân viên trẻ tuổi có đeo biển tên nhưng không rõ thông tin. Khi hỏi mua một vỉ thuốc Amoxicillin 500mg, biết chúng tôi không có đơn thuốc nhưng người này vẫn bán.
Ngày 22/10, phóng viên Báo GD&TĐ quay lại quầy thuốc này, vẫn là nhân viên cũ đứng quầy bán thuốc cho khách hàng mà không cần đơn thuốc. Nhân viên này cho biết: “Chị Hoài (dược sĩ Đào Thị Hoài - PV) làm công ty, chỉ cho thuê bằng thôi, công ty làm hết cho”.
Ra khỏi quầy thuốc, phóng viên trao đổi (qua điện thoại) với người được cho là dược sĩ Đào Thị Hoài. Người này cho biết: Hiện không có mặt ở quầy thuốc.
“Mình làm ở Công ty Pharmacity và đứng (bằng cấp - PV) luôn nhà thuốc của công ty rồi. Mình làm mấy năm rồi, sắp tái thẩm định bằng dược rồi. Thường thường mình hay ở đấy”, người phụ nữ tên Hoài nói.
Ghi nhận ngày 23/9, tại nhà thuốc có tên gọi Pharmacity địa chỉ 261 - 263 Trần Đại Nghĩa (Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội), một nhân viên nữ trẻ tuổi bán thuốc cho khách hàng, nhưng không cần hóa đơn. Hiển thị trên tấm biển hiệu của nhà thuốc này cho thấy: “Dược sĩ: Tô Xuân Hiếu; giấy phép số: 03-8262 ĐKKDD-HNO”.
Chưa dán số giấy phép vẫn hoạt động
Chiều ngày 23/9, chúng tôi có mặt tại nhà thuốc Pharmacity có địa chỉ số 377, khu Hòa Bình, phường Võ Cường (TP Bắc Ninh). Trên tấm biển của nhà thuốc có ghi: “Dược sĩ: Tạ Bảo Trung; giấy phép số: 1392–ĐKKDD–BN”. Tại thời điểm này có 3 nhân viên, có đeo biển tên. Hỏi mua một vỉ thuốc kháng sinh Amoxicillin 500mg, không có đơn thuốc, nhân viên vẫn vô tư bán.
Tiếp đến, phóng viên có mặt tại cửa hàng thuốc Pharmacity địa chỉ số 72, Lý Thái Tổ (Võ Cường, TP Bắc Ninh), trên tấm biển hiệu hiển thị nội dung: “Dược sĩ phụ trách chuyên môn: Lưu Ngọc Trang; số giấy phép chưa có; giờ hoạt động 24/7”.
Tại thời điểm này, có 3 nhân viên nữ trẻ tuổi (trong đó có nữ nhân viên vừa bán thuốc cho chúng tôi tại chỉ số 377, khu Hòa Bình, phường Võ Cường) đã kịp “chạy xô” xuống nhà thuốc này. Nhân viên ở đây nói rằng, cửa hàng thuốc mới khai trương được ít ngày.
Tiếp tục tìm đến địa chỉ số 215 Thiên Đức, phường Vệ An (TP Bắc Ninh) nơi có cửa hàng thuốc Pharmacity. Tại đây có 2 nữ nhân viên bán thuốc kháng sinh cho khách, nhưng không cần đơn thuốc. Trên tấm biển hiệu nhà thuốc này hiển thị: “Dược sĩ phụ trách chuyên môn: Ngô Đăng Thành; giấy phép hoạt động: (chưa ghi); giờ hoạt động: 6 giờ - 23 giờ 30 phút”.
Nghi vấn về chuỗi nhà thuốc Pharmacity có dấu hiệu bán thuốc chữa bệnh sai quy định, “thuê” bằng cấp dược sĩ, Báo GD&TĐ đã đặt lịch làm việc với Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity. Tuy nhiên, hơn một tháng trôi qua, chúng tôi chưa nhận trả lời từ doanh nghiệp.
Ngày 19/10/2024, PGĐ Sở Y tế Hà Nội, ông Vũ Cao Cương đã có Công văn số 5091/SYT-QLHNYDTN phúc đáp thông tin nội dung làm việc của Báo GD&TĐ về chuỗi nhà thuốc Pharmacity.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có 108 nhà thuốc Pharmacity trực thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13... Mỗi nhà thuốc đều có dược sĩ phụ trách chuyên môn, có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định và được niêm yết công khai tại cơ sở kinh doanh dược, cơ sở ghi rõ tên dược sĩ.
Năm 2008, Bộ Y tế ban hành Văn bản số 1517/BYT - KCB về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế kê đơn thuốc. Cụ thể, Bộ Y tế quy định 30 nhóm thuốc bắt buộc phải kê đơn và bán theo đơn gồm các loại thuốc sau: Thuốc kháng sinh; thuốc điều trị rối loạn cương; thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc; thuốc gây mê; thuốc giảm đau, thuốc điều trị bệnh gút; thuốc cấp cứu và chống độc... Thuốc kê đơn được chia thành 4 nhóm: Nhóm A (thuốc gây nghiện), nhóm B (thuốc nguy hiểm), nhóm C (thuốc có tác dụng cao) và nhóm D (thuốc có tác dụng trung bình). Mỗi nhóm thuốc có những quy định riêng về thời hạn kê đơn, số lượng thuốc được kê, cách bảo quản và kiểm soát thuốc. Việc kê đơn và bán thuốc kê đơn là trách nhiệm của bác sĩ, dược sĩ.