Chuỗi ngày buồn đau, chia ly của Nam Phương hoàng hậu ở cung An Định

Được xem là nơi khởi phát những điềm lành, nhưng kể từ khi Bảo Đại thoái vị, Nam Phương hoàng hậu dọn về đây sinh sống, cung An Định lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Cung An Định khoảng những năm 20 thế kỷ trước. Ảnh tư liệu.
Cung An Định khoảng những năm 20 thế kỷ trước. Ảnh tư liệu.

Nằm ở phía nam kinh thành Huế, bên bờ sông An Cựu, cung An Định nguyên là tiềm để (nhà ở của hoàng tử trước khi lên ngôi) của Phụng Hóa công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định). Tại đây, mùa thu, năm Quý Sửu (1913) hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) chào đời.

Nơi khởi phát những điềm lành

Sau khi lên ngôi, năm 1917 vua Khải Định đã dùng tiền riêng để xây dựng lại nơi này theo lối kiến trúc hiện đại. Vì nghĩ rằng đây là đất phát nên vua đã cho xây Lầu Khải Tường (khởi phát điềm lành). Sau khi công trình này hoàn thành, vua đã ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy.

Sách Khải định chính yếu cho biết: Năm Khải Định thứ 4 [1919] chuẩn đem Lầu Khải tường ban cho Trưởng hoàng tử. Vua phê rằng: “Hồi Trung hưng, trẫm làm hoàng tử ở mãi tại một biệt điện. Đến năm Nhâm Dần chiếu theo phủ lệ mới có cơ ngơi này.

Mùa hạ năm Bính Thìn đăng quang, tới năm Đinh Tỵ nhận tiền Thượng lộc mới nhân nền đó thuê thợ cho xây dựng, sang mùa đông năm Mậu Ngọ thì hoàn thành, vì nghĩ nơi đó là nơi đất phát mới đặt là lầu Khải Tường [...]. Nay ban lầu ấy cho Hoàng tử trưởng Vĩnh Thụy làm tài sản riêng vĩnh viễn để tỏ lòng ưu ái […]”.

Chuoi ngay buon dau, chia ly cua Nam Phuong hoang hau o cung An Dinh hinh anh 2

Chân dung Nam Phương hoàng hậu. Ảnh tư liệu

Năm Khải Định thứ 5 [1920]. Mùa hạ, tháng 4, vua chế lời Dẫn cung An Định: “Cung An Định vốn là tiềm để của trẫm hồi mới chưa lên ngôi. Khi trẫm còn là phiên thần tự đặt cho tên là Dinh An Định. Chính tại đây vào mùa thu năm Quý Sửu Hoàng tử trưởng ra đời. Mùa hạ năm Bính Thìn đăng quang, vì nghĩ đấy là nơi đất phát nên xuất tiền lộc xây dựng ra thành lầu, mùa xuân năm Mậu Ngọ thì hoàn thành, đổi lại thành cung, vẫn lấy tên cũ gọi là An Định, còn lầu trên đặt là Khải tường.

Mọi thứ vàng bạc châu báu cùng các đồ đạc trong lầu đều mua hoặc chế tạo bằng tiền lộc riêng của trẫm. Ở các nơi khác đều như thế cả, là bởi trẫm chuẩn bị sẵn cho Hoàng tử trưởng sau này […]. Việc trời khó lường nên con người phải phòng bị, âu cũng là nghĩ mai sau Hoàng trưởng tử không được như trẫm bây giờ, nên mới phải lo trước như thế […]”.

Vì được coi là nơi khởi phát những điều lành, nên sau khi được tấn phong (1922), cung An Định trở thành tiềm để của Đông cung thái tử Vĩnh Thụy. Khi vua Vĩnh Thụy nối ngôi, nơi đây còn là địa điểm tổ chức những sự kiện, buổi lễ quan trọng của của hoàng gia.

Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 11 năm Bảo Đại 18 (1943) cho biết ngày lễ Thiên xuân của Đông cung Thái tử Bảo Long cũng từng tổ chức tại đây. Bản tấu của Bộ Lễ nghi Công tác, phần cuối viết: “Thần bộ phụng chiếu năm ngoái lễ ấy phụng chuẩn làm tại cung An Định, năm nay nên làm tại Nội hay tại cung An Định”…

Chuoi ngay buon dau, chia ly cua Nam Phuong hoang hau o cung An Dinh hinh anh 3

Bảo Đại nổi tiếng là người đào hoa. Ảnh tư liệu.

Nơi khởi phát buồn đau, chia ly

Được xem là nơi khởi phát những điềm lành, nhưng từ khi Bảo Đại thoái vị, Nam Phương cùng các con và Đức Từ Cung dọn về đây sinh sống, cung An Định lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, đó là nơi khởi phát (bắt đầu) những ngày tháng buồn đau, chia ly, hoặc là nơi “an bài” theo “định mệnh” của hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Trong sách Nam Phương hoàng hậu cuối cùng của vương quốc An Nam, tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang cho biết, cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu - một nhánh của sông Hương với một màu nước có “một chút gì trúc trắc”, tựa như mối tình chợt đổi màu theo nắng mưa mà ca dao ghi lại:

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Vì thầy mẹ bên anh lắng đục tìm trong

Nên duyên nợ chàng thiếp cứ long đong rứa hoài…

Được xây dựng bên một dòng sông như thế, nên cung An Định dường như cũng “đẫm buồn” theo và là nơi hoàng hậu Nam Phương đã nhiều lần rơi nước mắt.

Những giọt lệ đầu tiên của Nam Phương được ông Phạm Khắc Hòe (nguyên tổng lý văn phòng của hoàng đế) chứng kiến trong ngày cựu hoàng Bảo Đại chia tay gia đình ra Hà Nội làm cố vấn theo lời mời của Chính phủ.

Vào 6 giờ sáng 2/9, ông Phạm Khắc Hòe cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến đến cung An Định. Xe của hai ông đã vào đậu ngay trước phòng khách mà trong cung vẫn tối mò mò, im phăng phắc - chỉ nghe có tiếng gõ mõ niệm Phật từ trên lầu vọng xuống.

Một lúc sau, Nam Phương trong sắc phục màu xanh da trời, từ trong nhà đi ra cùng con trai là Bảo Long và ba con gái là Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung.

Cựu hoàng Bảo Đại “tới hôn vợ, hôn các con với những lời âu yếm bằng tiếng Pháp, đây là lần đầu tiên trong đời mình, ông Vĩnh Thụy đi xa mà không ai tiễn đưa ngoài vợ con”.

Chuoi ngay buon dau, chia ly cua Nam Phuong hoang hau o cung An Dinh hinh anh 4

Nam Phương hoàng hậu cùng các con ở Huế. Ảnh tư liệu.

Nam Phương với sắc mặt buồn “đưa tay trái lên cổ sửa lại sợi dây vàng đeo thánh giá lấp trong áo, tay phải cầm mùi xoa lau nước mắt” trong tiếng mõ tụng kinh của bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) từ “trên lầu vọng xuống đều đều buồn bã”.

Cựu hoàng “khóe mắt hơi ướt, nhưng miệng vẫn mỉm cười, bế Phương Dung lên hôn một lần nữa, rồi bỗng nói to: Thôi đi”.

Bà Nam Phương mở to mắt “nhìn theo như muốn níu ông chồng lại, nhưng ông này không quay lại”…

Ngay sau khi ra Hà Nội, Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng. Ông quan hệ kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với Mộng Điệp. Bất chấp mọi dị nghị ông công khai quan hệ với vũ nữ Lý Lệ Hà...

Nam Phương bắt đầu sống những ngày tháng buồn đau, chia ly tại cung An Định cùng với Đức Từ Cung (trước đây mỗi người một cung riêng). Quan hệ giữa hai người vốn không êm thấm gì, không chỉ là giữa mẹ chồng và nàng dâu, mà do hoàn cảnh tính cách hoàn toàn khác hẳn nhau.

Bà Từ Cung xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đến mức phải bán con làm hầu gái cho một bà chúa, sau đó được lấy sang hầu hạ bên dinh ông Bửu Đảo, rồi vì may mắn có thai với ông chủ mà thành mẹ vua.

Trong khi đó, Nam Phương lại sinh ra trong một gia đình nhung lụa, được học hành đến nơi đến chốn, ngay ngày cưới đã được tấn phong là hoàng hậu…

Nam Phương không phải không biết những mối quan hệ ngoài luồng của Bảo Đại và bà không dễ chấp nhận ngay điều này. Trong lần ông Nguyễn Khắc Hòe nhận lời đem thư của Bảo Đại về Cung An Định, bà đã gặng hỏi ông rất nhiều về mối quan hệ giữa Bảo Đại và Lý Lệ Hà, với vẻ mặt đượm buồn và những giọt nước mắt.

Nhưng Nam Phương quá nề nếp và kiêu hãnh (lá thư gửi Lý Lệ Hà phần nào nói nên điều đó), nên bà đã không cố gắng giành giật lại chồng bằng những chiêu thức mà bà không cho là xứng đáng với mình. Chính vì thế tình cảm vợ chồng giữa bà và Bảo Đại ngày càng một xa cách và không thể vãn hồi được.

Hơi nặng tai, Nam Phương sống âm thầm trong Cung An Định và gồng mình để nuôi dạy, giữ gìn con cái. Năm 1947, bà đưa các con sang Pháp định cư và sống những tháng còn lại trên đất khách.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.