Theo News, đốm lá Sigatoka là tổ hợp ba bệnh nấm hại chuối gồm bệnh đốm vàng lá Sigatoka (Pseudocercospora musae), đốm lá eumusae (Pseudocercospora eumusae) và đốm đen Sigatoka (Pseudocercospora fijiensis).
Trong đó, bệnh đốm đen có sức tàn phá mạnh nhất, đe dọa sản lượng 100 triệu tấn chuối hàng năm từ 120 nước trên thế giới.
Để hiểu được cơ chế tấn công của căn bệnh nguy hiểm, các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu Đại học Wageningen, Hà Lan đã giải mã trình tự gene của loại nấm gây đốm lá eumusae và Sigatoka đen, sau đó so sánh với kết quả phân tích hệ gene của nấm gây bệnh Sigatoka vàng.
Trong công bố đăng trên tập san PLOS Genetics hôm 11/8, các nhà khoa học cho biết, tổ hợp bệnh nấm rất nguy hiểm do chúng có khả năng làm tê liệt hệ miễn dịch của chuối. Thêm vào đó, chúng còn thay đổi hệ thống chuyển hóa của mình để thích nghi với vật chủ, từ đó sản sinh những enzyme có khả năng phá vỡ thành tế bào, tranh giành đường và các carbohydrate của cây.
"Nhóm nghiên cứu phát hiện hai trong số ba căn bệnh nấm ở chuối có độc lực mạnh hơn nhờ tăng cường khả năng can thiệp vào quá trình trao đổi chất của cây chuối và cướp đi nguồn dinh dưỡng", chuyên gia bệnh học thực vật Ioannis Stergiopoulos, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
"Sự thay đổi song song trong hệ chuyển hóa của mầm bệnh và vật chủ từ lâu đã bị bỏ qua, nay trở thành một điểm đáng chú ý trong nghiên cứu quá trình thích nghi của mầm bệnh. Đây là hồi chuông thức tỉnh cộng đồng khoa học chú ý tới những cơ chế tương tự giữa mầm bệnh và vật chủ".
Theo chuyên gia Stergiopoulos, chuối tiêu lùn Cavendish, giống chuối phổ biến thường có mặt trong các siêu thị có tính đồng nhất về di truyền do được trồng bằng kỹ thuật tỉa chồi. Khi mầm bệnh tấn công một cây, chúng sẽ có đủ khả năng tiêu diệt các cây còn lại
"Chuối Cavendish thường được phát triển từ một cây nên mang cùng kiểu gene. Đây chính là công thức đưa tới thảm họa", ông giải thích.
Dù vậy, người tiêu dùng lại nhầm tưởng nguồn cung chuối là vô tận do sự hiện diện thường xuyên của thực phẩm này trong cuộc sống.
Để ngăn chặn nguy cơ ngành công nghiệp chuối bị xóa sổ trong thập kỷ tiếp theo, người nông dân cần dùng 50 loại thuốc trừ nấm cho vụ chuối hàng năm.
"Ước tính 30-35% chi phí sản xuất chuối đổ vào thuốc trừ nấm", Stergiopoulos cho biết. "Khó khăn đặt ra là nhiều nông dân không thể chi trả khoản tiền này, dẫn tới sản lượng có chất lượng kém và lợi nhuận thấp".
News cho hay, dù các dự báo đưa ra khá tiêu cực, các nhà khoa học vẫn có thể tìm ra cách phòng chống tổ hợp bệnh nấm Sigatoka.
Năm 2001, Tully, vùng trồng chuối lớn nhất tại Australia đối diện nguy cơ bị xóa sổ sau khi bệnh nấm Sigatoka đen được phát hiện. Người trồng chuối Tully đã tiến hành chương trình loại bỏ lá bệnh trong bán kính 50 km, kết hợp với chiến dịch phun thuốc trừ nấm bằng máy bay khắp diện tích 4.500 hecta.
Tới năm 2003, một nhóm nhà khoa học xác nhận chặn đứng thành công bệnh nấm Sigatoka đen. Tuy nhiên, lần này ngành công nghiệp chuối đang đối mặt thách thức lớn hơn từ tổ hợp ba bệnh nấm phức tạp và khó tiêu diệt hoàn toàn.