Thầy Nguyễn Ngọc Ký - Giáo viên Lịch sử, Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa)
Năm nay có sự đổi mới trong thi tốt nghiệp đó là học sinh được lựa chọn 2 môn thi trong số 6 môn (Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học), sẽ có sự phân hóa rõ - đó là các em học sinh chủ yếu chọn môn thi trắc nghiệm, còn các môn tự luận sẽ yếu thế hơn.
Như vậy, theo tình trạng chung của môn xã hội, môn Lịch sử cũng không lựa chọn nhiều. Hơn nữa, theo tâm lý đám đông, các em thấy bạn bè ít người lựa chọn môn Lịch sử thì cũng làm theo.
Tôi cho rằng học sinh thời nay thực tế hơn các thế hệ trước, vì vậy ngay khi học lớp 10 có thể các em cũng đã có định hướng cho riêng mình, cũng có khi gia đình, bố mẹ các em định hướng sẵn cho con học - thi với mục đích chính sau này dễ xin việc.
Giáo viên chúng tôi nhận thấy các em học sinh theo học khối C sau khi ra trường rất khó xin việc. Trong xã hội hiện nay, với tình hình, nguồn cung dồi dào mà nhu cầu không nhiều nên ngày càng ít các em học sinh chọn thi môn xã hội - đồng nghĩa với việc môn Lịch sử không được các em chọn để thi tốt nghiệp trong năm nay. Điều này là dễ hiểu.
Đứng ở góc độ của người làm cha mẹ, tôi cũng sẽ khuyên con trước khi chọn khối thi, môn thi, cần khảo sát nhu cầu nhân lực.
Thầy Giang Trọng Thủy - Giáo viên Lịch sử Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra phương án thi tốt nghiệp, rất nhiều học sinh hào hứng với việc đổi mới này. Nhiều học trò của tôi không chọn môn Lịch sử để thi.
Tôi cho rằng đó là việc hết sức bình thường. Bởi các em có quyền lựa chọn môn thi theo sở trường của mình. Với cương vị là một người thầy, nắm bắt được sức học của học sinh, tôi luôn khuyến khích cách lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực của mình.
Thực tế, trong quá trình giảng dạy, có nhiều em học rất tốt môn Lịch sử, nhưng các em không chọn để thi tốt nghiệp. Đơn giản chỉ với lý do các em thi đại học theo khối tự nhiên, có nhiều sự lựa chọn về trường học và ngành nghề học cho các em hơn.
Niềm vui của giáo viên chúng tôi không nằm ở việc môn của mình được học sinh chọn thi. Chỉ cần sau mỗi bài giảng, học sinh nắm được kiến thức, hiểu được các sự kiện lịch sử và ý nghĩa của các sự kiện, thế là hạnh phúc rồi. Với riêng tôi, đó chính là một trong những cách thể hiện tình yêu của học sinh với môn Lịch sử.
Th.S Trần Trung Hiếu - Giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)
Dù môn Lịch sử không phải là môn thi bắt buộc tốt nghiệp THPT nhưng học sinh ở trường chúng tôi không có hiện tượng “quay lưng” với môn học này. Không chỉ những học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử, trong giờ học các em vẫn tập trung tiếp thu kiến thức.
Thiết nghĩ, việc nhiều học sinh không lựa chọn Lịch sử thi tốt nghiệp không ảnh hưởng đến thái độ và chất lượng các tiết học này. Bởi khi thầy cô luôn tâm huyết và có phương pháp truyền thụ kiến thức một cách uyển chuyển thì dù thi hay không, học sinh vẫn rất hứng thú trong từng tiết học.
Bên cạnh đó, theo tôi, hai khái niệm học Sử và thi Sử không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Lịch sử vẫn là môn học cung cấp nhiều tri thức bổ ích, giáo dục lòng yêu nước, tôn trọng những giá trị lịch sử và bồi đắp ý thức tự tôn dân tộc có hiệu quả nhất trong các môn học phổ thông.