Chung tay xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao Lai Châu

GD&TĐ - Công tác xóa mù chữ (XMC) được tỉnh Lai Châu chú trọng nhằm nâng cao trình độ dân trí. Số lượng lớp và học viên theo học xóa mù vượt kế hoạch đề ra.

Lớp XMC tại xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.
Lớp XMC tại xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.

Đẩy mạnh tuyên truyền về xóa mù chữ

Tỉnh Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia với đường biên giới dài trên 265 km giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Đây cũng là vùng đầu nguồn và phòng hộ xung yếu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà và vùng đồng bằng sông Hồng.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu có trên 84% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ người dân chưa biết chữ của tỉnh còn cao. Chính vì thế, việc mở các lớp XMC, nâng cao dân trí cho người dân được địa phương đặc biệt chú trọng.

NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: “Công tác PCGD, XMC được tỉnh Lai Châu và ngành GD&ĐT chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, nhiệm vụ XMC được tổ chức sâu rộng và thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực. Chỉ tiêu thực hiện công tác XMC được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, đơn vị”.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phổ cập, XMC các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về XMC thông qua các cuộc họp bản, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị điều tra, rà soát, cập nhật số liệu người mù chữ, người tái mù chữ theo đúng văn bản chỉ đạo của các cấp. Qua điều tra, các huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch mở lớp XMC hàng năm. Cùng với đó, các địa phương đều thực hiện điều tra, cập nhật số liệu về XMC trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, XMC của Bộ GD&ĐT theo đúng quy định.

Căn cứ kế hoạch mở lớp XMC của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch mở lớp XMC trên địa bàn hằng năm.

“Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, XMC đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể vận động người dân chưa biết chữ tham gia học tập và duy trì sĩ số trong quá trình học” – ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ thông tin.

Các học viên lớp XMC của Lai Châu có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi.

Các học viên lớp XMC của Lai Châu có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi.

Cũng theo ông Thiện, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thực hiện tốt chế độ đối với người dạy và người học XMC theo đúng quy định. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần của người tham gia học các lớp XMC.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh Lai Châu được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn về: Phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi năm 2010; PCGD THCS năm 2009; PCGD mầm non cho trẻ em năm tuổi năm 2015.

Đến tháng 12/2022, tỉnh Lai Châu đạt chuẩn XMC mức độ 1. Trong đó 8/8 huyện, thành phố và 106/106 xã, phường đạt chuẩn XMC mức độ 1. Số người đạt chuẩn biết chữ theo mức độ 1 ở độ tuổi 15-25 đạt tỷ lệ 99,3%; độ tuổi 15-35 đạt 97,8%; độ tuổi 15-60 đạt 93,9%.

Vượt khó nâng cao dân trí

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, tỷ lệ người dân chưa biết chữ của tỉnh còn cao so với các tỉnh trong khu vực, nhất là ở đội tuổi từ 36 đến 60 tuổi. Tỷ lệ chuyên cần ở các lớp XMC có thời điểm chưa cao. Công tác điều tra cập nhật thông tin về trình độ học vấn của người dân, đặc biệt ở độ tuổi từ 36 đến 60 tuổi gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tài liệu chương trình dạy học lớp XMC chưa đáp ứng đủ nhu cầu học của các học viên. Chưa có bộ tài liệu hướng dẫn dạy học XMC theo Thông tư số 33 của Bộ GD&ĐT nên khó khăn cho các địa phương trong công tác biên soạn tài liệu dạy lớp XMC.

“Một số người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng về vai trò, lợi ích của việc biết chữ khi giao tiếp không sử dụng tiếng Việt, chưa có ý thức tham gia học tại các lớp XMC. Đa số người dân tham gia học XMC là lao động chính trong gia đình, phải đi làm, lao động ở nương xa nên tỉ lệ chuyên cần có lúc, có thời điểm chưa cao” – ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè chia sẻ.

Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, không có phụ cấp trách nhiệm và một số đồng chí năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế nên việc thực hiện công tác XMC ở một số xã tiến triển chậm.

Số lượng lớp dạy XMC ở Lai Châu năm 2023 vượt kế hoạch đề ra.

Số lượng lớp dạy XMC ở Lai Châu năm 2023 vượt kế hoạch đề ra.

Trước những khó khăn đó, căn cứ Công văn số 640 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện chương trình XMC. Các huyện, thành phố thực hiện chương trình XMC theo đúng hướng dẫn và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tài liệu hướng dẫn… để tổ chức dạy xóa mù theo đúng quy định

Cùng với đó, Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các trường học trên địa bàn thực hiện công tác XMC cho người dân theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Phát huy vai trò trong công tác phối hợp vận động, duy trì số lượng học viên các XMC, đáp ứng nhu cầu "học tập suốt đời" của mọi lứa tuổi. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí và có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

“Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội đối với nhiệm vụ XMC. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác điều tra, nắm chắc trình độ người dân trong độ tuổi XMC để xây dựng kế hoạch mở lớp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu học của người dân” – NGƯT Đinh Trung Tuấn chia sẻ.

Trong năm 2023, toàn tỉnh Lai Châu thực hiện 185 lớp XMC với gần 4.100 học viên. Trong đó, có 49 lớp mở từ năm 2022 kéo dài sang năm 2023, 136 lớp mở trong năm 2023 (vượt 54 lớp so với kế hoạch). Tổng kinh phí thực hiện các lớp XMC năm 2023 là trên 18 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ