Chung tay xây nhà công vụ giáo viên xuống cấp nghiêm trọng

GD&TĐ - Gần 20 năm sử dụng, đến nay nhà ở tập thể giáo viên tại khóm Vĩnh Lộc (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chân cột ngôi nhà tập thể giáo viên đã mục nát.
Chân cột ngôi nhà tập thể giáo viên đã mục nát.

Nỗi lo càng lớn hơn khi vào mùa mưa bão, bởi khu nhà tập thể này phần mái tôn thấy “mặt trời”, tường nứt, chân cột cũng xuống cấp rệu rã.

Hơn bao giờ hết, các giáo viên sống tại đây mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư sửa chữa, để thầy cô có một nơi an toàn “trú nắng trú mưa”, an tâm lưu trú, dạy học.

Mái tôn hỏng nặng, mỗi khi trời mưa thầy Nguyễn Phi Hổ dùng chậu hứng nước.
Mái tôn hỏng nặng, mỗi khi trời mưa thầy Nguyễn Phi Hổ dùng chậu hứng nước.

Thầy Nguyễn Phi Hổ, giáo viên Trường THPT Vĩnh Bình cho biết: Do hoàn cảnh khó khăn, nhà xa nên thầy được địa phương tạo điều kiện lưu trú tại nhà tập thể. Cũng như các giáo viên khác, thầy Hồ ở đây từ năm 2009 đến nay. Đa số giáo viên tá túc ở đây công tác xa nhà, thu nhập đủ sống, nên kinh phí sửa chữa nhà tập thể khó tự túc được.

Hiện nhà tập thể đã xuống cấp rất trầm trọng, phần mái tôn đã bị hư hỏng nặng, gần như rệu rã. Trời mưa các phòng không tránh khỏi dột ướt, dù các thầy cô luôn có ý thức gia cố.

Hơn 20 năm sử dụng, căn nhà tập thể giáo viên đã xuống cấp trầm trọng.
Hơn 20 năm sử dụng, căn nhà tập thể giáo viên đã xuống cấp trầm trọng.

Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, nhà tập thể giáo viên được xây dựng từ năm 2005. Hiện có 6 giáo viên ở thường xuyên, vài giáo viên hay lui tới để nghỉ buổi trưa.

“Điều lo lắng nhất là phòng ở hiện nay đã bị nứt nẻ, bong tróc, thấm dột ngày càng nặng. Trời mưa lớn là nước trên mái nhà dội xuống ướt cả căn phòng, tình trạng này ngày một nhiều hơn”, thầy Hổ nói.

Thời gian qua, mặc dù địa phương, ngành Giáo dục đã quan tâm hỗ trợ để sửa chữa nhưng nguồn kinh phí có hạn, chỉ đủ sửa chữa nhỏ tạm thời, vá víu.

Cận cảnh mái tôn của căn nhà tập thể giáo viên đã mục nát.
Cận cảnh mái tôn của căn nhà tập thể giáo viên đã mục nát.

Ông Nguyễn Long Hồ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 9 nhà tập thể giáo viên tại các xã, thị trấn. Hầu hết các nhà tập thể sau nhiều năm sử dụng, trải qua nhiều lần sửa chữa đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó nặng nhất là cụm nhà tập thể tại thị trấn Vĩnh Bình.

Ngôi nhà tập thể hiện có gần 10 thầy cô giáo nhà xa ở lại để dạy học.
Ngôi nhà tập thể hiện có gần 10 thầy cô giáo nhà xa ở lại để dạy học.

“Phòng GD&ĐT huyện rất quan tâm đến chỗ ở của giáo viên, tuy nhiên trong phân bổ kinh phí của ngành lại không có chi phí để hỗ trợ sửa chữa nhà tập thể cho thầy cô.

Phòng GD&ĐT rất mong có các nguồn lực xã hội hóa, vận động hỗ trợ địa phương để sửa chữa, cải tạo lại nhà tập thể giáo viên, góp phần giúp các thầy cô an tâm công tác”, ông Nguyễn Long Hồ chia sẻ.

Thiết thực kỷ niệm 65 năm thành lập Báo Giáo dục và Thời đại, Ban Biên tập triển khai thực hiện chương trình vận động chung tay hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà công vụ cho thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa.

Nhà tập thể giáo viên khóm Vĩnh Lộc (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là điểm công trình đầu tiên được triển khai.

Báo Giáo dục và Thời đại rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng hành của bạn đọc, cùng chung sức giúp thầy cô an cư dạy học.

Mọi đóng góp xin chuyển vào tài khoản:

Cơ quan thường trú Báo Giáo dục và Thời đại tại TPHCM

Số tài khoản: 119000005663 - Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, chi nhánh 2 TPHCM.

Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ xây nhà công vụ cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.