Đối tượng áp dụng gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội. Đây cũng là một trong những câu chuyện “dậy sóng” dư luận thời gian qua.
Trước hết phải nói rằng, một số quy định đề xuất trong Dự thảo rất nên ủng hộ, như: Khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ; Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Hay việc phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm đường lối chính sách trên mạng xã hội;
Rồi đối với người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định….
Theo Dự thảo, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). Cán bộ, công chức khi phát ngôn không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.
Ngoài ra, những người khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết.
Về ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ…
Đó là những cái được, hoặc có thể chấp nhận được, ở Dự thảo Quy định mà Sở VH-TT Hà Nội đang đề xuất. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có cái cần xem lại, trong đó nổi cộm là đề xuất cán bộ công chức Hà Nội phải hạn chế dùng phương ngữ.
Theo ngôn ngữ học, tiếng địa phương tức là phương ngữ. Bản thân Hà Nội là một phương ngữ. Hà Nội mở rộng đang tồn tại nhiều tiểu vùng phương ngữ khác nhau. Trước đây, khi Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây, người 4 quận nội thành nói khác, người ngoại thành nói khác. Bây giờ lại có một “ngoại thành” mở rộng là Hà Tây với giọng xứ Đoài hay giọng các huyện Hà Tây cũ, xa trung tâm Hà Nội.
Cái khác biệt dễ nhận thấy nhất về mặt phương ngữ là ngữ âm. Còn từ ngữ, có thể có nhưng không đáng kể. Vậy bắt cán bộ không được nói tiếng địa phương vô hình trung đặt họ vào thế khó.
Bởi ngữ âm là đặc trưng ngôn ngữ ăn sâu vào tiềm thức, mang tính bản năng, rất khó điều chỉnh, nhất là trong giao tiếp tự nhiên. Như Nhạc sĩ Phạm Duy, xa Hà Nội đến nửa thế kỷ, nhưng giọng của ông vẫn đúng chất Hà Nội. Vấn đề ở đây là người nói phải ý thức được sự khác biệt mới có thể điều chỉnh, mà muốn điều chỉnh cũng không dễ. Nó liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tâm lý.
Điều quan trọng là nên có sự thống nhất trong văn bản. Nếu trong văn bản mà cán bộ vùng quê lại viết mô phỏng theo thổ ngữ vùng mình thì không được. Việt Nam rất nhiều vùng phương ngữ, cách nói khác nhau, nhưng trong văn bản hành chính thì đã có sự thống nhất từ lâu.
Cái cần hạn chế để đưa vào quy định là cán bộ không mắc tật ngọng hoặc nói lắp, vừa khó nghe vừa phản cảm. Chứ trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung (kể cả trong truyền thông và trong giao tiếp công vụ hành chính), thiết nghĩ nên tôn trọng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng, chứ đừng cục bộ chủ nghĩa ngay cả về ngôn ngữ như vậy.