“Chuẩn” giáo dục chất lượng cao..

GD&TĐ - Giáo dục chất lượng cao là mỗi nhà trường phổ thông không chỉ thỏa mãn những cam kết của nhà trường với cha mẹ học sinh để thỏa mãn nhu cầu của người dân khi gửi con đến trường, mà chủ yếu hiệu quả giáo dục phải đến từng học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh.

“Chuẩn” giáo dục chất lượng cao..

Theo tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, giáo dục chất lượng cao chúng ta phải quan niệm như thế nào cho đúng, cho phù hợp với sự phát triển giáo dục hiện nay. Giáo dục chất lượng cao là muốn nói đến một kết quả giáo dục phải cao hơn chuẩn chất lượng giáo dục được xác định, được quan niệm.

Một cách hiểu khác, giáo dục chất lượng cao là nhằm đáp ứng nhu cầu cao của cha mẹ học sinh khi họ gửi con vào trường tiêu chuẩn chất lượng cao. Vậy giáo dục chất lượng cao phải đáp ứng những nhu cầu tiêu chuẩn nào?

"Song ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh giáo dục chất lượng cao là mỗi nhà trường phổ thông không chỉ thỏa mãn những cam kết của nhà trường với cha mẹ học sinh để thỏa mãn nhu cầu của người dân khi gửi con đến trường, mà chủ yếu hiệu quả giáo dục phải đến từng học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng học sinh.

Nhà trường phải chỉ rõ những phẩm chất, năng lực của học sinh được rèn luyện và có sự tiến bộ từng học kỳ như thế nào" - Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.

Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, chất lượng cao ở đây cũng chính là thái độ ứng xử, sự thân thiện, quan tâm, tận tâm của cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên Nhà trường với học sinh. Họ luôn là những người thành công trong sự nghiệp giáo dục vì họ luôn là người “ tự tin, thân thiện, thẳng thắn, thấu hiểu” với mọi học sinh.

Như vậy, muốn thực hiện chất lượng cao trong các nhà trường phổ thông đạt chất lượng hiện nay, các nhà trường phổ thông cũng như cha mẹ học sinh phải coi đây là dịch vụ giáo dục chất lượng cao là sự cam kết giữa phụ huynh và cán bộ quản lý, giáo viên mỗi nhà trường.

Kinh phí của nhà nước đầu tư cho giáo dục mỗi nhà trường chỉ đủ để họp bàn chất lượng, còn chất lượng cao thì cha mẹ học sinh phải cùng với nhà trường để tính toán một khoản kinh phí đóng thêm để các nhà trường có thể huy động nguồn lực, chuẩn bị thêm chương trình, điều kiện cơ sở vật chất, huấn luyện giáo viên...

"Thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao ở mỗi nhà trường phổ thông là cách làm giáo dục theo cơ chế thị trường, và không phải trường phổ thông nào cũng làm được.

Chỉ những trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, tài năng và dám chịu trách nhiệm, dám vượt khó sáng tạo mới có thể tạo ra những nhà trường “giáo dục chất lượng cao" - tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm tại Hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng Việt Nam và thế giới".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ