Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người đã đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và người có trình độ tiến sĩ. Lãnh đạo nhiều trường đại học thể hiện sự ủng hộ với điểm mới này, thậm chí có trường đã đưa vấn đề này vào quy chế công tác cán bộ.
Trường ĐH nhất thiết phải có đội ngũ nhà giáo chất lượng cao
NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - bày tỏ ủng hộ nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Đại học ở Điều 54 về Giảng viên và nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, với nội dung cụ thể là “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Như vậy, để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở giáo dục đại học nhất thiết phải có đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, trước hết là đội ngũ nhà giáo có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ.
Riêng với Trường ĐH Đồng Tháp, PGS Nguyễn Văn Đệ cho biết: Nhà trường đã có chiến lược đội ngũ nhà giáo có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ từ năm 2003, khi trường trở thành trường đại học. Qua 15 năm “vun trồng”, đến nay, trường đã thu hoạch được “những mùa quả chín” đáng trân trọng về thành quả phát triển đội ngũ.
“Hiện, chúng tôi đang có 586 công chức, viên chức với 92% giảng viên có trình độ sau đại học; trong đó có 10 phó giáo sư, 74 tiến sĩ, 79 người đang học nghiên cứu sinh, 302 thạc sĩ. Đây là sự nỗ lực và thành công vượt bậc của tập thể nhà trường, khi mà vào năm 2003, trường chỉ có 165 cán bộ, giảng viên, với 21 người có trình độ sau đại học.
Trường ĐH Đồng Tháp luôn tạo điều kiện để giảng viên tham gia học tập và nghiên cứu sau đại học, bồi dưỡng chuyên môn sau tiến sĩ. Trong điều kiện cho phép, nhà trường luôn tạo môi trường công tác thuận lợi và thăng tiến, chế độ đãi ngộ phù hợp dành cho những giảng viên có học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư, phó giáo sư có nhiều đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học” – PGS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.
Không hẳn là quy định mới
Quan điểm của GS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh: Quy định chuẩn giảng viên để giảng dạy trình độ tiến sĩ, thạc sĩ là tiến sỹ nhằm đảm bảo sự thống nhất về quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ, thạc sĩ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng có đề cập trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, đó là những ngành mới và những ngành đặc thù như Văn hóa, Nghệ thuật...
Việc thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có học hàm giáo sư, phó giáo sư có học vị tiến sĩ đưa vào luật là thể hiện định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục đại học.
Theo GS Đinh Xuân Khoa, những vấn đề này đã được đưa vào quy chế công tác cán bộ của Trường ĐH Vinh và được sự đồng thuận cao trong cộng đồng giảng viên và xã hội. Tuy nhiên, gần đây do số lượng tuyển mới không nhiều và thực tế cũng ít giáo sư, phó giáo sư đăng ký về trường. Đây là khó khăn cho những trường không ở vùng có kinh tế - xã hội phát triển.
Góp ý cho dự thảo về nội dung trên, ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải – cho rằng nên thêm chữ chuẩn tối thiểu tham gia giảng dạy thạc sỹ và tiến sĩ phải là có bằng tiến sĩ đúng theo lĩnh vực giảng dạy.
“Cá nhân tôi ủng hộ điểm này, để đòi hỏi và yêu cầu các trường phải có trách nhiệm trong tổ chức giảng dạy. Còn một số trường hợp như những ngành đặc biệt căn cứ vào thực tế, nhưng về cơ bản là phải tiến sĩ, còn trường hợp đặc biệt như đối với đào tạo tiến sĩ mà không có giảng viên là tiến sĩ thì nên hỗ trợ nghiên cứu ở nước ngoài” – ông Nguyễn Thanh Chương cho hay.
Về việc hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người đã đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và người có trình độ tiến sĩ, về nguyên tắc đây là việc mà các trường đều hướng đến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Chương cũng băn khoăn, đối với giáo sư, phó giáo sư đang trong tuổi làm việc theo quy định, nếu tuyển được là khó khăn, vì nguồn hạn chế, còn nếu hết tuổi theo quy định có được tuyển không? Vì hầu hết các trường có nhu cầu.
Quy định này thực ra không phải là mới, mà các trường đã thực hiện theo quy chế đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ. Còn điểm là ưu tiên tuyển giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cần làm rõ hơn. Về giải pháp, các trường căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo để có kế hoạch chuẩn bị nguồn giảng viên giảng dạy.