Chuẩn bị vững chắc điều kiện triển khai Chương trình tiếng Anh tiểu học

Chuẩn bị vững chắc điều kiện triển khai Chương trình tiếng Anh tiểu học

(GD&TĐ) - Kết quả nhiều cuộc khảo sát năng lực GV tiếng Anh tiểu học cho thấy đại đa số GV đều không đạt chuẩn khung tham chiếu Châu Âu B2. Theo một số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT tiến hành, trong 148 GV tiếng Anh tham gia dạy thí điểm lớp 3 thì chỉ có 92 GV đạt yêu cầu.

Thiếu và yếu

Việc đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy ở bậc Tiểu học không phải là vấn đề quá mới mẻ. Năm 1996, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chính thức cho phép một số trường đưa tiếng Anh trở thành môn tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần.

Đến năm 2003, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình môn tiếng Anh tiểu học được giảng dạy cho HS từ lớp 3 trở lên, với thời lượng 2 tiết/tuần cho các trường có lớp 2 buổi/ngày.

Bắt đầu từ năm học 2010 - 2011 này, Bộ GD&ĐT tổ chức thí điểm dạy tiếng Anh tiểu học lớp 3 theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại 92 trường Tiểu học trên toàn quốc. Dự kiến, năm học 2011 – 2012 sẽ chính thức dạy chương trình tiếng Anh lớp 3 và triển khai thí điểm đối với lớp 4 và lớp 6.

Việc đảm bảo chât lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc Tiểu học là vô cùng quan trọng. Ở bậc học này, trẻ em cần được tiếp cận với nguồn kiến thức đúng đắn, chính xác nên GV đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dạy tiếng Anh cho HS, giúp các em có hứng thú với giai đoạn đầu của quá trình học tập.

Ngày hội em học tiếng Anh cho HS các trường Tiểu học tại Đà Nẵng
Ngày hội em học tiếng Anh cho HS các trường Tiểu học tại Đà Nẵng

Tuy nhiên, theo như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được tổ chức tại Đà Nẵng thì số lượng GV tiếng Anh Tiểu học đạt chuẩn còn quá thấp. Theo kết quả khảo sát của Vụ Tiểu học - Bộ GD&ĐT, sau khi kiểm tra trình độ của 148 GV tham gia dạy thí điểm tiếng Anh lớp 3, chỉ có 28 GV đạt chuẩn (đạt 550 điểm TOEFL hay 6.0 IELTS). Có 88 GV đạt mức 400 điểm TOEFL hoặc IELTS tương đương – có nghĩa là năng lực ngoại ngữ của GV chỉ mới đạt chuẩn A2 theo khung tham chiếu Châu Âu.

Đó là chưa kể, số lượng GV giảng dạy tiếng Anh Tiểu học còn thiếu so với số lượng yêu cầu. Theo GS Nguyễn Lộc – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, hiện có trên 4.000 GV tham gia dạy tiếng Anh tự chọn tại các trường Tiểu học. Số lượng này tạm đủ cho giai đoạn đầu thí điểm. Để đảm bảo từ năm học 2011 – 2012 triển khai đại trà ở 20% số trường Tiểu học trên cả nước, đồng thời tiếp tục thí điểm ở các lớp cao hơn, cần đào tạo thêm 1.700 đến 2.000 GV/năm. Ngoài ra, tại một số địa phương, một phần không nhỏ GV tiếng Anh Tiểu học không được đào tạo bài bản. Để giải quyết bài toán này, một số nơi phải chấp nhận tình trạng đưa GV từ THCS dạy cho HS Tiểu học nhằm “lấp chỗ trống”. Đội ngũ này chưa hề được trang bị phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em, và cả kiến thức về đối tượng người học là trẻ em.

Trong khi đó, theo dự thảo chương trình tiếng Anh Tiểu học của Viện Khoa học và Giáo dục, Bộ GD&ĐT thì GV phải có trình độ CĐ hoặc ĐH chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh với trình độ năng lực tiếng Anh tương đương cấp độ B2 trở lên của khung tham chiếu Châu Âu về ngôn ngữ.

Theo như ông Nguyễn Ngọc Hùng – trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 thì do nhiều lý do lịch sử cũng như nhiệm vụ đào tạo khác nhau, một phần khá lớn đội ngũ GV tiếng Anh cần phải bồi dưỡng lại để đáp ứng nhu cầu dạy và học mới. Ông Hùng nhấn mạnh, việc đào tạo và bồi dưỡng GV là khâu then chốt để giải quyết thành công các mục tiêu chất lượng của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Bà Heather Wright, đại diện tổ chức ATA (Australian Teaching Academy) phát biểu tham luận tại Hội thảo
Bà Heather Wright, đại diện tổ chức ATA (Australian Teaching Academy) phát biểu tham luận tại Hội thảo

Nâng cấp năng lực ngoại ngữ cho GV

Ngày 26.6, tại trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo về dự thảo Chương trình bồi dưỡng GV tiếng Anh bậc Tiểu học. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, với phương châm một chương trình do nhiều trường xây dựng - một chương trình dùng được cho nhiều trường, Ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã giao cho trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) biên soạn chương trình Bồi dưỡng GV Tiếng Anh bậc Tiểu học. Chương trình cũng đã được sự góp ý của trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế). Chương trình bồi dưỡng GV tiếng Anh Tiểu học được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khung năng lực mà GV ngoại ngữ ở Việt Nam cần có. Đó là người GV tiếng Anh cần biết những gì và có thể làm được những gì trong bối cảnh hội nhập.

Từ các kết quả khảo sát năng lực GV tiếng Anh bậc Tiểu học, nhóm biên soạn chương trình đã xác định việc bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho GV là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất cần xem xét khi xây dựng khung chương trình bồi dưỡng.

Chương trình được xây dựng cho GV tiếng Anh hiện đang giảng dạy tại các trường Tiểu học - những người chưa được đào tạo chính quy kiến thức về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em và chưa có năng lực ngôn ngữ đạt chuẩn khung tham chiếu B2 Châu Âu. Với mục tiêu tập trung bồi dưỡng GV ở 3 khối kiến thức và kỹ năng: Năng lực ngôn ngữ, Kiến thức về người học, phương pháp dạy học và năng lực nghiệp vụ; Kỹ năng tự bồi dưỡng và phát triển năng lực nghiệp vụ. Các môn học trong khối kiến thức bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ cần được thực hiện trước khi giảng dạy khối kiến thức về phương pháp dạy học.

Tại Hội thảo, chương trình đã nhận được một số đóng góp ý kiến của các đại biểu đến từ các tổ chức giáo dục nước ngoài cũng như ý kiến phản biện của đại diện một số trường ĐH đại diện cho các vùng miền trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Ban thường trực của Đề án vẫn tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp và phản biện cho chương trình trong vòng 1 tháng tới. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định và ban hành để có một chương trình dùng chung cho các địa phương.

 Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ