Chuẩn bị vào lớp 1: Chuẩn 5 tuổi + phụ huynh đồng hành = vững vàng tâm thế

GD&TĐ - Bước sang học kỳ II, nhiều cha mẹ có con học lớp mẫu giáo lớn lại nhấp nhổm chuẩn bị “hành trang” cho con vào học lớp 1.

Cô và trò Trường MN Họa Mi vui đón Tết qua hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng.
Cô và trò Trường MN Họa Mi vui đón Tết qua hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng.

Nhiều cha mẹ còn quyết định cho con nghỉ học mầm non để xin đi học chữ sớm. Tuy nhiên, tình trạng này đã giảm dần bởi sự vào cuộc tuyên truyền tích cực của các nhà trường và giáo viên.

Đừng bắt “quả non chín ép”

Cô Nguyễn Kim Thoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Chung A, Đông Anh (Hà Nội) cho biết: Mỗi độ tuổi có khả năng tư duy, nhận thức, ghi nhớ và tiếp thu kiến thức, kỹ năng khác nhau. Vì vậy, ở độ tuổi MN từ nhà trẻ đến MG, có những hoạt động học tập vui chơi trong chương trình khác nhau, theo hướng đồng tâm, phát triển và lấy trẻ làm trung tâm với những tiêu chí cần đạt ở mỗi độ tuổi.

Cô Thoa nhấn mạnh: Trong chương trình GDMN, để chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1 đã quan tâm, chú trọng tới dạy trẻ những kỹ năng như tự phục vụ, an toàn để trẻ tự tin, mạnh dạn và chủ động khi vào cấp học mới. Bên cạnh đó, chương trình chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, trọng tâm là các hoạt động làm quen với toán, chữ cái, tập tô, phát triển ngôn ngữ, thảo luận nhóm; làm quen với sách và các hoạt động trải nghiệm (sử dụng đồ dùng học tập; tham quan lớp 1, trường tiểu học…) hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ bước vào lớp 1.

Theo cô Thoa, nếu vội vàng cho trẻ đi học sớm thì như “quả non chín ép”, không phù hợp với tư duy, nhận thức và sự phát triển của trẻ, dẫn tới quá sức và sợ học. Nếu trẻ có khả năng tiếp thu được sẽ chủ quan và không tập trung chú ý học bài khi vào học lớp 1. Điều này ảnh hưởng đến quá trình học ở lớp 1 và các lớp sau này.

Đồng quan điểm, cô Lê Thị Thu Huyền - GV chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn 1, Trường MN Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) ví von, trẻ giống như cây non, nếu cây bị ép lớn nhanh sẽ thành chột.

Cô Huyền chia sẻ: Thời điểm bước sang học kỳ II, cao điểm là tháng 3,4,5 nhiều phụ huynh muốn con sớm biết đọc, biết viết nên tìm lớp học thêm, thậm chí nghỉ học ở trường MN để theo lớp tiền lớp 1. GV đã tuyên truyền đến cha mẹ về việc dạy trước lớp 1 là không hiệu quả với các con mà cần nhất là sự kết hợp giữa cô và cha mẹ trong chuẩn bị tâm thế cho trẻ. Hiện nay, chương trình tiền lớp 1 được nhà trường tổ chức rất tốt, các con trang bị đầy đủ kỹ năng nhận biết chữ, biết số và các kỹ năng cần thiết khác…

Với cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - GV Trường MN Họa Mi (quận Cầu Giấy, HN), mẫu giáo lớn là lớp tiền đề để chuẩn bị về tâm lý tư tưởng, kiến thức và kỹ năng cho trẻ trước khi trẻ bước vào lớp 1. Ở lứa tuổi này, các con không chỉ được các cô dạy làm quen với các chữ cái, rèn kỹ năng cầm bút tập tô chữ cái, được làm quen với cách tính toán thêm bớt trong toán học. Đặc biệt, các con còn được cung cấp các kiến thức về môi trường xung quanh và xã hội qua các hoạt động ở lớp mà vui chơi là hoạt động chủ đạo; được trau dồi thêm các kỹ năng tự phục vụ cho bản thân để thích nghi với môi trường tiểu học... 

Hiệu quả của tuyên truyền tích cực

Cô Lê Thị Thu Huyền cho biết: Những năm trước, đến thời điểm này, nhiều gia đình đã xin cho con nghỉ học ở trường MN để đi học chữ. Tuy nhiên, qua đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của chương trình phổ cập trẻ 5 tuổi, tác dụng ngược của học chữ sớm cũng như thực tế chứng kiến những hoạt động trẻ được học hàng ngày ở trường MN, nhiều phụ huynh đã thay đổi quan điểm. Tình trạng cha mẹ cho trẻ nghỉ học MN sớm đã giảm hẳn, các con không bị “tước” đi niềm vui tuổi thơ khi được đến trường vui múa, hát, làm quen với kiến thức phù hợp với lứa tuổi.

Cô Nguyễn Thị Lan - GV chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn 2, Trường MN Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, ngay từ đầu năm học, nhà trường kết hợp tổ chuyên môn xây dựng chương trình giáo dục, môi trường lớp học cho trẻ 5 tuổi. Chương trình bám sát đặc điểm tâm lý, xây dựng bài học phát triển thể lực, trí tuệ, ngôn ngữ thẩm mỹ, xã hội cho các con để có hành trang vững vàng, không bị bỡ ngỡ khi vào lớp 1. Đặc biệt, trong giờ học vẽ, GV quan tâm nắn tư thế ngồi, cách cầm bút để các con vào học lớp 1 không gặp khó khăn.

“Khác với các lớp nhà trẻ, mẫu giáo bé, với lớp mẫu giáo lớn, ngay khi đón các con vào đầu năm học mới, GV đã trao đổi kỹ với phụ huynh về thực trạng, tác hại việc cho trẻ nghỉ học MN để đi học chữ. Công tác tuyên truyền cũng được lồng ghép qua các buổi họp phụ huynh, nhóm Zalo lớp kịp thời, qua đó gia đình đã hiểu vấn đề và cho con đi học MN đầy đủ. Hiện các con lớp tôi đã học thuộc bảng chữ cái, chữ số, làm được phép tính đơn giản, nhận biết được màu sắc, hình khối… nên phụ huynh yên tâm gửi con đi học hằng ngày” - cô Lan nhìn nhận.

Theo cô Trần Thị Quyết - GV Trường MN Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), hoạt động dạy học GV chú trọng cho trẻ 5 tuổi hướng đến tiếp cận chương trình phổ thông mới (lớp 1) là: Giáo dục thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội và giáo dục thẩm mỹ. Trong đó, tập trung một số nội dung để bé tự tin vào lớp 1: Hoạt động làm quen chữ cái (nhận biết 29 chữ cái và tập tô); làm quen với toán (nhận biết 10 chữ số, thêm bớt, tách, gộp các nhóm đối tượng trong phạm vi 10); rèn kỹ năng mềm tiền tiểu học như: Giao tiếp, hợp tác, phòng tránh tai nạn thương tích, chấp nhận thất bại, phòng tránh xâm hại… Phụ huynh phối hợp cùng nhà trường quan tâm chăm sóc con khi ở nhà thì hoàn toàn yên tâm khi con vào học lớp 1.

Trẻ ở tuổi mẫu giáo lớn lấy vui chơi là hoạt động chủ đạo, nên việc dạy trẻ đọc viết sớm chưa phù hợp với tâm sinh lý của trẻ. Bên cạnh đó, dạy chữ sớm cho trẻ sẽ gây hiện tượng chủ quan, nhàm chán khi học lớp 1. Hơn nữa, chương trình chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi đã được nghiên cứu kỹ lưỡng cho trẻ lứa tuổi mầm non và đáp ứng đầy đủ về kiến thức, kỹ năng cũng như việc làm quen với các chữ cái để chuẩn bị vững vàng tâm thế cho trẻ vào lớp 1. - Cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy - GV Trường MN Họa Mi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.