Chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới: Giải bài toán đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Hai khó khăn lớn nhất của giáo dục tỉnh miền núi Bắc Kạn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất và đội ngũ. Theo ông Ma Thế Quyên – Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn – hiện địa phương không có giáo viên (GV) tiểu học được đào tạo chuyên ngành Tin học; không có GV THPT dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Trong giờ học tại Trường THPT chuyên Bắc Kạn. Ảnh: NT
Trong giờ học tại Trường THPT chuyên Bắc Kạn. Ảnh: NT
“Trắng” giáo viên Tin học ở tiểu học

* Ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới của giáo dục Bắc Kạn đến thời điểm này?

- Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm các vụ trọng tâm của việc triển khai chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nổi bật như:

Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới CT, SGK GDPT tỉnh Bắc Kạn; chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND cấp huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành phố nhằm đảm bảo sự thống nhất, toàn diện sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện.

Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chuẩn bị các điều kiện triển khai CT SGK GDPT trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các địa phương chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn triển khai thực hiện theo lộ trình. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại trường, lớp, học sinh theo quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn.

Sở GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 111 cán bộ quản lý (CBQL) là hiệu trưởng các trường THCS về đổi mới CT GDPT; chọn cử hiệu trưởng trường THPT, cốt cán THCS tham gia tập huấn tại Bộ GD&ĐT; ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai CT GDPT. Tổ chức quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, của tỉnh về đổi mới CT, SGK GDPT; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho CBQL, GV, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội về CT, SGK GDPT mới. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai biên soạn, thẩm định, phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Khó khăn lớn

* Ông lo lắng nhất điều gì khi chỉ còn 1 năm nữa, CT GDPT mới sẽ chính thức triển khai từ lớp 1?

- Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao, kinh tế, văn hóa - xã hội còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện CT, SGK GDPT của tỉnh. Trong đó, khó khăn lớn nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng CT, SGK GDPT và đội ngũ CBQL, GV, nhân viên trong các cơ sở GDPT.

Ông Ma Thế Quyên

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện CT SGK GDPT mới (nhất là cấp tiểu học: Thiếu phòng học Tin học, Tiếng Anh và thiết bị dạy học tối thiểu...). Nguyên nhân chính do nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT chưa đáp ứng được nhu cầu; hầu hết các công trình trường, lớp học, nhà công vụ GV đã được xây dựng từ lâu, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên xuống cấp, hư hỏng; công tác xã hội hóa chưa đạt hiệu quả cao do điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục, GV còn thiếu so với yêu cầu; thiếu GV dạy tiếng Anh theo CT 10 năm (nhất là ở tiểu học); ở bậc trung học vẫn còn tình trạng thừa, thiếu theo chủng loại; không có GV Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để tham gia tập huấn cốt cán ở Trung ương và triển khai bồi dưỡng tại địa phương; việc sắp xếp, bố trí GV dôi dư sau khi sáp nhập trường, lớp còn gặp những khó khăn nhất định. Nguyên nhân do tỉnh đang trong lộ trình thực hiện tinh giản biên chế; chưa bảo đảm đủ số lượng đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục, GV và nhân viên theo định mức; việc thực hiện hợp đồng GV ở một số địa phương, đơn vị còn gặp khó khăn, nhiều nơi không có GV tiếng Anh ký hợp đồng giảng dạy.

Sắp xếp, bổ sung đội ngũ bảo đảm đổi mới chương trình

* Ông vừa chia sẻ địa phương hiện không có GV Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để tham gia tập huấn cốt cán ở Trung ương và triển khai bồi dưỡng tại địa phương. Vậy cụ thể thực trạng GV Tin học, Nghệ thuật trên địa bàn tỉnh như thế nào? Giải pháp cho khó khăn này là gì?

- Đối với nội dung bố trí GV Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT) tham gia bồi dưỡng để giảng dạy bộ môn Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT), hiện nay, tỉnh Bắc Kạn không có GV tiểu học được đào tạo chuyên ngành Tin học; không có GV THPT dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì vậy, không có GV Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để tham gia tập huấn cốt cán ở Trung ương và triển khai bồi dưỡng tại địa phương.

Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, Sở GD&ĐT đã đề xuất, xin ý kiến của Bộ GD&ĐT thực hiện giải pháp trước mắt, đó là:

Đối với cấp tiểu học: Cho phép chọn cử GV ở các môn học khác (GV dạy môn cơ bản hoặc GV có khả năng về Tin học...) tham gia bồi dưỡng và thực hiện giảng dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học.

Đối với cấp THPT: Cho phép chọn cử GV ở các môn học khác (GV làm công tác Đoàn hoặc GV có khả năng, năng khiếu về Âm nhạc, Mỹ thuật...) tham gia tập huấn cốt cán ở Trung ương và triển khai bồi dưỡng tại địa phương.

Về lâu dài, theo lộ trình triển khai thực hiện CT SGK GDPT mới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế GV có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.