Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ đạo Hội nghị.
Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng 5 nhóm vấn đề
Hội nghị có sự tham gia của gần 450 đại biểu, đại diện ban ngành giáo dục đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe tóm tắt về quy chế thi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo đó, quy chế quy định về thi tốt nghiệp THPT bao gồm: quy định chung; chuẩn bị tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét công nhận tốt nghiệp THPT và cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); chế độ báo cáo và lưu trữ; công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 450 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đánh giá, kỳ thi nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và đây là kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006, vì vậy tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và đề nghị Ban chỉ đạo, báo cáo viên truyền đạt những nội dung cốt lõi nhất liên quan đến quy chế thi, lưu tâm những vấn đề dễ xảy ra sai sót trong chuyên môn, nghiệp vụ.
“Cần lưu ý trong việc chủ động làm tốt công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trên tinh thần chỉ đạo sâu sát và toàn diện, kịp thời thành lập bộ máy để chỉ đạo; sau Hội nghị, đề nghị các Sở GD&ĐT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị các thành viên trong Ban chỉ đạo phân công rõ chức trách, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo an toàn cho kỳ thi ở mọi khâu, trong đó sở GD&ĐT chủ động trong công tác phối hợp giữa các ban ngành để thực hiện tốt quy chế của kỳ thi.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đã phân tích, trao đổi về công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng ở 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất là làm tốt công tác chỉ đạo. Từ cấp Trung ương là Ban chỉ đạo quốc gia, cho đến các tỉnh, thành phố, các sở GD&ĐT cần chỉ đạo sâu sát, toàn diện. Các địa phương, sở, tiến hành công tác kiểm tra, vừa kiểm tra toàn diện, vừa kiểm tra trọng tâm, trọng điểm. Cố gắng kiểm tra sớm, tổng kết lại, nêu lên những vấn đề còn vướng mắc, chủ quan, để các đơn vị còn lại rút kinh nghiệm và thực hiện tốt.
Về cơ sở vật chất, cần quan tâm chú ý nơi in sao, bảo quản, đề thi bài thi, xác định điểm thi, phòng thi, máy chấm thi, công tác phòng chống cháy nổ... càng cẩn thận càng tốt.
Thứ hai là công tác phối hợp cần nhịp nhàng và thông suốt. Kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thầy cô giáo tham gia rất lớn, số lượng thí sinh hàng triệu em, ngành Giáo dục cần sự phối hợp của ngành Công an, Quân đội, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Y tế, Giao thông, Điện….
Tập huấn quy chế, nghiệp vụ thi, dự báo những vấn đề có thể xảy ra và phải có những biện pháp xử lý... tất cả các cán bộ, viên chức đều phải tập huấn và học quy chế, từ người làm đề, in sao đề, trưởng, phó điểm thi, nhân viên phục vụ,...
Thứ ba là vấn đề nhân lực được Thứ trưởng nhấn mạnh và quan tâm, theo đó yếu tố về con người là rất quan trọng, đã có một số trường hợp lộ đề, lọt đề thi ra ngoài hoặc thí sinh đưa các thiết bị vào phòng thi, vì vậy trong công tác nhân lực, cần phải chọn người thật kỹ lưỡng, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức, không được lơ là, chủ quan.
Thứ tư là vận hành thử nghiệm trong khâu chuẩn bị cần phải chu đáo và kỹ lưỡng, như việc sử dụng bình cứu hỏa, máy nổ phát điện phải có công suất phù hợp với phòng thi,...; về chuyên môn nghiệp vụ cần phải đúng, đầy đủ quy trình, quy chế trong mọi khâu và theo đúng hướng dẫn, mọi sự thay đổi phải có quyết định từ Ban chỉ đạo Kỳ thi.
Thứ năm là công tác truyền thông, Ban chỉ đạo Kỳ thi chủ động, kịp thời phối hợp đài phát thanh, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương để cung cấp những thông tin một cách công khai, minh bạch và truyền đạt những nội dung với tinh thần để phụ huynh, xã hội, ban ngành hiểu về Kỳ thi, đồng thuận trong thực hiện. Qua truyền thông phổ biến về điểm mới của quy chế, khuyến cáo những mức độ vi phạm nào sẽ đến mức xử lý hình sự để không muốn, không dám và không thể vi phạm.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đã chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt với tinh thần chuẩn bị “4 đúng 3 không”. Cụ thể, 4 đúng đó là: đúng quy chế, đúng đủ quy trình, đúng vị trí chức trách nhiệm vụ và đúng thời điểm xử lý tình huống bất thường; 3 không đó là: không lơ là chủ quan, không căng thẳng áp lực quá mức và không tự ý xử lý những trường hợp bất thường (phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền).
Nhiều ý kiến tham luận trao đổi, đề xuất
Bà Bùi Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa trao đổi ý kiến tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, những vấn đề cụ thể liên quan quy chế thi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được đại diện các Sở GD&ĐT đưa ra trao đổi, thảo luận và kiến nghị, đề xuất để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai của Kỳ thi.
Bà Bùi Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đưa ra ý kiến rằng, đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước có sự phân hóa tốt, dễ dàng để các thí sinh đạt điểm 6, 7 xét tốt nghiệp; công tác nghiêm túc trong Đoàn kiểm tra từ sao thi, chấm thi, sao đề,... Vì vậy bà Thanh mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì thêm sự phân hóa ở một số môn học và mong muốn tăng cường tiếp tục trong công tác thanh tra, kiểm tra chéo để Kỳ thi được diễn ra tốt hơn.
Bà Thanh cũng đề nghị thêm, việc ra đề thi nên bám sát, có sự phân hóa hơn để học sinh hiểu và làm bài, tránh tình trạng khoanh bừa đáp án và mong các trường đại học, cao đẳng quan tâm, lấy kết quả của kỳ thi để xét tuyển, nên để học sinh tốt nghiệp xong rồi công bố trúng tuyển nhằm tránh khó khăn trong việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng trao đổi rằng, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại địa phương này diễn ra tốt đẹp, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan ban ngành để thực hiện tốt quy chế thi và xử lý một số trường hợp vi phạm Kỳ thi. Năm 2024, dự kiến tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 90.000 học sinh thi (nhiều hơn 5.000 thí sinh so với năm 2023). Đại diện Sở này cũng có một số kiến nghị, trong đó có vấn đề về học sinh khuyết tật trí tuệ nhẹ thì có thể miễn công nhận tốt nghiệp.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh trao đổi ý kiến tại Hội nghị. |
Ông Võ Văn Hiếu – Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đưa ra ý kiến trao đổi tại Hội nghị và có một số đề xuất như: vướng mắc về kinh phí tổ chức kỳ thi, theo đó có một số chức danh được quy định trong quy chế thi nhưng lại không quy định các khoản chi cho những chức danh đó, hay về hệ thống phần mềm, đối với bài thi các môn Tự nhiên, Khoa học xã hội, việc yêu cầu xuất ra từng bộ môn thì phần mềm chưa thống kê được, vì vậy các tỉnh phải thống kê thủ công.
Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi và đề xuất với Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đến từ đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Kon Tum, Hải Phòng, Cao Bằng... gồm một số nội dung: đề xuất nâng cấp một số phần mềm hỗ trợ trong Kỳ thi, các thiết bị phát hiện kim loại trên người thí sinh, sớm ban hành bộ đề thi tham khảo năm 2025 để các địa phương sớm có kế hoạch triển khai học tập,...
Ông Huỳnh Văn Chương (phải) - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trả lời ý kiến, giải đáp thắc mắc của các đại biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã đánh giá các ý kiến tham luận đưa ra trao đổi, thảo luận thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với kỳ thi.
“Trước hết, việc tổ chức kỳ thi này để dạy thật, học thật, thi thật và kết quả thật. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo về việc đề thi sẽ có sự phân hóa hơn, khi nào càng phân hóa, làm nghiêm túc, công bằng, khách quan thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ lấy đó làm kết quả, nghĩa là đủ sự tin cậy.
Sau hội nghị, Cục Quản lý chất lượng sớm ban hành kết luận của hội nghị để chỉ đạo với tinh thần đã quán triệt, đó là sâu sát toàn diện trong chỉ đạo; phối hợp nhịp nhàng và thông suốt; chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng; chuyên môn nghiệp vụ đúng quy trình quy chế; truyền thông chủ động và kịp thời”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trình bày tham luận về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024. |
Thiếu tướng Trần Đình Chung – Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) trình bày tại Hội nghị tham luận về nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đảm bảo an toàn an ninh trật tự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. |
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) trình bày tham luận về đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. |
Nhiều ý kiến được đại diện các Sở GD&ĐT đưa ra trao đổi và đề xuất với Bộ GD&ĐT liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. |