Chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi vụ thu sai BHXH

GD&TĐ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi vụ thu sai BHXH và đưa giải pháp đảm bảo quyền lợi cho các chủ hộ đã đóng.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/6.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/6.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề thu sai đối tượng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 - 2016. Đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.

Bộ trưởng cho rằng, về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm. Song, ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên. Những nhân viên của họ được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả, nên không được nộp bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Về bản chất, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trước đó, trả lời đại biểu Ma Thị Thuý về việc giải quyết vấn đề thu thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc đối chủ hộ kinh doanh cá thể, giờ lại bị “treo” lương hưu khiến dư luận bức xúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong báo cáo của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, thời gian vừa qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai tỷ lệ không nhỏ.

Theo Bộ trưởng, đây không phải đối tượng thuộc diện quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai bảo hiểm xã hội đã diễn ra từ năm 2003 đến 2016. Bộ LĐTBXH đã phát hiện, chấn chỉnh cơ quan bảo hiểm xã hội.

Vừa qua, Bộ LĐTBXH đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra về vấn đề này. Đồng thời Bộ LĐTBXH cũng đang tiến hành sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Về câu hỏi của đại biểu có tình trạng tiêu cực hay không, Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên quan điểm của Bộ LĐTBXH là: Chúng ta đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai thì cơ quan công quyền phải xin lỗi, xử lý theo quy định.

Bộ LĐTBXH đề xuất chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trường hợp người nộp bảo hiểm xã hội không muốn, không có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trường hợp người lao động đồng ý trả lại quyền lợi, thì phải tính lãi bằng quỹ tăng trưởng hiện nay.

"Quan điểm cá nhân tôi đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, khuyến khích điều chỉnh chính sách chuyển sang thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo về già có lương hưu, cuộc sống ổn định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ