Các chuyên gia cảnh báo nhiều nơi đang lặp lại cơn sốt ảo cách đây 10 năm.
Cò đẩy giá đất tăng theo ngày
Gần nửa tháng nay, người dân xã Hải Bối, Đông Anh đứng ngồi không yên về đất. Chị N.T.L., xóm 4, thôn Hải Bối, vừa làm thủ tục bán căn nhà 4 tầng đầy đủ tiện nghi với gần 200m2 sàn sử dụng cho hay: Đất ngấp nghé tăng từ trước Tết 2 tháng nên dù có nhiều người hỏi mua vẫn cố ghim lại chờ thông tin Đông Anh “chốt” lên quận nội thành. “Ngày 25/3 có người trả hơn 1,3 tỷ đồng nên nhà tôi quyết định bán và nhận tiền đặt cọc. Chỉ sau đó mấy ngày, thủ tục chuyển nhượng còn chưa xong, khách mua đã rao bán trên mạng với giá 1,6 tỷ đồng, vợ chồng tôi nghe tin mà tiếc đứt ruột”.
Cũng theo chị L. khách tới hỏi mua nhà hầu hết là dân “cò” ôm đất đầu tư. “Ngay cả khách chốt mua nhà tôi dù là cò cũng vẫn phải qua cầu một cò khác giới thiệu ăn hoa hồng”, chị L. chia sẻ.
Tương tự, giá đất tại các thôn Cổ Điển, Yên Hà… cũng được ghi nhận tăng mạnh trong vòng nửa tháng trở lại đây. Nếu như trước Tết Nguyên đán, đất thổ cư dao động 12 - 13 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 25 - 26 triệu đồng/m2. Thậm chí đất giãn dân, “xen kẹt” nằm trên trục đường chính, chưa có “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), cũng được rao bán giá 18 - 19 triệu đồng/m2. Anh Nguyễn Văn Hoàn, thôn Cổ Điển cho biết: “Đất tăng chóng mặt trong nửa tháng nay, mức giá thì vô cùng, cứ rao bán là có người về mua bất kể diện tích to nhỏ. Hôm qua vừa có khách nơi khác về mua miếng đất vườn ở ngay cạnh nhà tôi, rộng hơn 2 nghìn m2. Hỏi thì họ chỉ nói mua để đấy chứ chưa có nhu cầu sử dụng”. Cũng theo ông Hoàn, trận sốt đất tại Đông Anh hiện nay cao hơn hẳn so với hồi 2010 - 2011. “Cơn sốt năm 2010 giá đất chỉ tăng 3 - 4 triệu đồng/m2, còn bây giờ vị trí mặt đường ô tô vào được đều tăng gấp đôi, trong ngõ hẻm thì tăng 1,3 lần”.
Không chỉ có Đông Anh, giá đất “sốt” cũng diễn ra tại Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, khi Hà Nội xác nhận đưa 4 địa giới này lên quận nội thành. Đáng chú ý, nhiều dự án đang trong tình trạng “nằm im”, xây dở bỏ hoang thì nay bỗng dưng sôi động bất thường. Cụ thể, các dự án nằm ven trục đường cao tốc Láng - Hòa Lạc thuộc địa phận huyện Hoài Đức đều tăng 10 - 30% chỉ trong thời gian ngắn.
Trong vai môi giới đất đi tìm hàng cho khách, PV Báo Giao thông được chủ một văn phòng nhà đất đặt tại dự án Geleximco Lê Trọng Tấn báo giá: “Khu B dự án thấp nhất là 33 triệu đồng/m2 bao sang tên”. Khi được hỏi giá có thể nâng tới tầm nào hợp lý, vị này cho hay: “Nếu gặp khách có thể nâng lên tới 34 triệu đồng/m2, có thể cao hơn, quan trọng phải biết khách có nhu cầu như thế nào để tư vấn. Từ trước Tết đến giờ giá tăng khoảng 3 triệu đồng/m2, một căn 100m2 vừa sang tay đã ăn lãi 300 triệu đồng. Khu D của dự án này có giá thấp hơn nhưng lại có mức tăng mạnh nhất, từ 12 triệu đồng/m2 giờ đã lên 22 triệu/m2”.
Tình hình giao dịch sôi động nhờ “đội giá” cũng diễn ra tại Khu đô thị Nam An Khánh sau thời gian dài bỏ hoang. Hiện tại, gần 600 căn nhà phố thương mại shophouse Nam An Khánh bám theo trục đường lớn đã được hoàn thiện sơn, lát mới, sẵn sàng tân gia. Anh Lợi, nhân viên một công ty môi giới cho biết, trước Tết vừa bán một căn giá 32 triệu đồng/m2, ngay ngày hôm sau giá đã lên 35triệu đồng/m2 và hiện tại là 38 triệu đồng/m2. Tương tự, những căn biệt thự đơn lập xây thô, 4 phía cỏ mọc quá đầu, trước đây được rao 20 triệu đồng/m2 thì nay đã có căn được cò tung lên gần 26 triệu đồng/m2.
Tại dự án Vinhomes Thăng long, biệt thự song lập hoàn thiện nội thất, trên mặt đường Long Phú 2 giá cũng tăng hơn 15 triệu đồng/m2 (65,6 triệu đồng/m2) so với giá bán công khai hai năm trước…
Giá đất ở đâu tăng ảo?
Biệt thự đơn lập xây thô, cỏ mọc um tùm tại Nam An Khánh, được cò tung lên gần 26 triệu đồng/m2
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội xác nhận, thông tin nâng cấp địa giới hành chính 4 huyện ngoại thành Hà Nội thời gian qua đã khiến thị trường bất động sản tại những nơi này có lượng giao dịch tăng đột biến. Tuy nhiên, nếu so sánh về tiềm năng thị trường, bà Hằng nhận định, khu vực huyện Gia Lâm có tốc độ tăng trưởng tốt hơn cả.
“Bên cạnh nhiều dự án đang được triển khai với quy mô lớn, khu vực cận kề Gia Lâm cũng có tiện ích hạ tầng sẵn sàng, bản thân việc di chuyển kết nối giao thông tại đây cũng rất thuận lợi. Huyện Thanh Trì cũng đang là thị trường được tính đến của các nhà đầu tư, giá đất tại đây cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, nếu xét về tương quan lợi nhuận thì Thanh Trì vẫn đứng sau thị trường Gia Lâm, kế đến là Đông Anh”, bà Hằng phân tích.
Cũng theo bà Hằng, trong 4 thị trường dự định sẽ lên quận, giá đất tại huyện Hoài Đức thực chất không hề “sốt”. “Bản thân Hoài Đức đã trải qua thời kỳ phát triển, thậm chí đã có các cơn sốt đất diễn ra, có những dự án đã được phát triển ở đây và thời điểm này có thể nói là giai đoạn hậu quả của một thời gian phát triển nóng. Chính vì lý do đó, Hoài Đức không phải là thị trường mới để đầu tư”, bà Hằng nêu quan điểm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho rằng, việc tăng giá đất tại Hoài Đức, đặc biệt tại khu vực Nam An Khánh là không có cơ sở; đi ngược với nguyên lý “giá trị của bất động sản chỉ tăng khi có đầu tư tổng thể hạ tầng”.
“Cách đây 10 năm, bất động sản khu vực An Khánh “sốt” đỉnh điểm, tranh cướp mua bán, bởi viễn cảnh một đô thị đồng bộ, hiện đại với một hệ thống hạ tầng được thiết kế, xây dựng bài bản, được lập ra. Thực tế một đường cao tốc ngang qua và hệ thống kỹ thuật giao thông trong nội đô dự án đã được thực hiện. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để tạo ra không gian sống chất lượng”, ông Đính nói và đặt vấn đề: “Nếu về An Khánh ở thì ốm đau sẽ vào bệnh viện nào, con cái về đó học ở đâu; khu vui chơi giải trí, mua sắm ở đâu? Có đường cao tốc nhưng phần lớn vẫn phải đi trong đường gom, giờ cao điểm tắc đường còn kinh khủng hơn trong phố...”.
Qua đây, vị Tổng thư ký VARs nhận định, giá đất tăng bất thường tại An Khánh hiện đều do giới đầu cơ tự đẩy thổi giá.
“Chỉ sau một hai năm, thậm chí nhanh hơn, giá đất tại đây sẽ yên ắng trở lại. Do vậy, nhà đầu tư phải bình tĩnh, thận trọng”, ông Đính khuyến cáo.