Chưa có cơ sở đào tạo và cấp bằng ngành phòng chống thiên tai

GD&TĐ - Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), hầu như chưa có cơ sở giáo dục đại học nào đào tạo và cấp bằng về ngành phòng chống thiên tai.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu tại phiên họp chiều 4/11.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu tại phiên họp chiều 4/11.

Kiến nghị từ góc nhìn cơ sở giáo dục đào tạo

Phát biểu tại phiên họp chiều 4/11 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 của Chính phủ.

Đại biểu ghi nhận, chúng ta nỗ lực cố gắng, có nhiều giải pháp ứng phó và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT). Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực còn thiếu và hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy.

Nhân sự làm công tác PCTT chủ yếu đúc kết từ kinh nghiệm bản thân qua thực tiễn. Nhiều cán bộ từ cấp thôn bản đến các cấp cao hơn có lúc còn chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.

Hiện nay, hầu như chưa có cơ sở đào tạo đại học nào đào tạo và cấp bằng về ngành PCTT. Với góc nhìn từ cơ sở giáo dục đào tạo trong lĩnh vực Nông nghiệp - một lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi thiên tai xảy ra, với mong muốn Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn công tác PCTT, đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị:

Một là, tăng cường và thường xuyên đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn về PCTT cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân.

Theo đó, cần rà soát, cải tiến và xây dựng mới các chương trình đào tạo bài bản, phù hợp về PCTT ở các cấp học, bậc học đảm bảo cập nhật về nội dung, kiến thức, công nghệ mới của thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học và bậc học, giữa trong và ngoài nước. Tổ chức các loại hình đào tạo từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo dài hạn. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học.

Hai là, rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước để tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Qua đó, nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo/trường đại học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chuyên nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng này cho đất nước.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, chú trọng tới việc cử cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, đội ngũ giảng viên đi học tập và đào tạo, nghiên cứu tại các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm trong PCTT để đủ sức kiến tạo, dẫn dắt, tham mưu và triển khai các chủ trương về PCTT của đất nước.

Bốn là, Chính phủ sớm ban hành một Nghị định về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho PCTT. Đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ tham gia học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này, có chính sách đặt hàng, quy định rõ vị trí việc làm về PCTT. Từng bước hình thành đội ngũ PCTT chuyên trách đủ mạnh từ Trung ương tới cơ sở.

phongchongthientai.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Nhiều quốc gia giáo dục về thiên tai từ nhà trẻ…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, báo cáo của Chính phủ thể hiện sự quan tâm lớn đến công tác PCTT. Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại rất to lớn cả về người và của cho đất nước.

Đại biểu đoàn TP Hà Nội khẳng định, Đảng và Nhà nước xác định, PCTT là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội.

Điều đó được thể hiện qua các Nghị quyết 76 của Chính phủ, Chỉ thị 42 của Trung ương về PCTT và Quyết định 379 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược Quốc gia về PCTT…

Gần đây nhất, trong dịp về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 12/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Nguồn nhân lực chất lượng cũng là trụ cột được xếp hàng đầu trong bốn trụ cột của khung Sendai mà 187 quốc gia đã ký kết trong tháng 3/2015 tại Sendai Nhật bản về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Đối với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Canada và nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến công tác phòng ngừa thiên tai. Nhật bản có nhiều chương trình giáo dục về PCTT, coi giáo dục về thiên tai là một phần của chương trình giảng dạy quốc gia, được giảng dạy tại các trường từ nhà trẻ đến trường trung học; chương trình giáo dục cộng đồng...

“Nhiều quốc gia có chương trình đào tạo đại học, sau đại học về quản lý khẩn cấp, quản lý thảm họa, quản lý thảm họa và rủi ro liên quan đến PCTT” – đại biểu Nguyễn Thị Lan viện dẫn.

Trong lịch sử truyền thống đoàn kết, dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn gắn liền với hoạt động PCTT. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống thiên tai không chỉ là nhu cầu cấp thiết của tình hình thực tế, mà còn là phát huy truyền thống của cha ông, bảo đảm cuộc sống an bình, thịnh vượng cho nhân dân và để Việt Nam phát triển vững bền sẵn sàng, tự tin tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. - đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ