Chú trọng vận dụng kiến thức quốc phòng an ninh vào thực tiễn

GD&TĐ - Chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là phương thức thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư về Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT, áp dụng từ ngày 11/1/2021 thay thế Thông tư 02 ban hành năm 2017.

Theo đó, tổng thời lượng môn học là 105 tiết, chia đều mỗi năm 35 tiết. Học sinh lớp 10 sẽ được học 17 tiết lí thuyết, 18 tiết thực hành. Học sinh lớp 11 sẽ được học 19 tiết lí thuyết, 16 tiết thực hành. Học sinh lớp 12 sẽ được học 19 tiết lí thuyết, 16 tiết thực hành.

Chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được xây dựng trên nền tảng lí luận và thực tiễn truyền thống đánh giặc của cha ông, nghệ thuật quân sự Việt Nam và cập nhật thành tựu của khoa học quân sự, sư phạm quân sự hiện đại.

Chương trình xác định rõ các phẩm chất, năng lực có thể hình thành và phát triển của học sinh thông qua môn học: Một mặt chương trình căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực làm cơ sở và xuất phát điểm để lựa chọn nội dung giáo dục, mặt khác chương trình hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi cho học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh tiếp thu, vận dụng nội dung môn học vào thực tiễn.

Chương trình xác định thực hành, luyện tập, vận dụng là nội dung quan trọng, đồng thời là phương thức thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Nội dung này chú trọng việc vận dụng kiến thức quốc phòng an ninh và kĩ năng vận dụng vào thực tiễn góp phần phát triển các năng lực đặc thù môn học.

Mạch nội dung môn học được cấu trúc theo 5 chủ đề: Một số hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh; điều lệnh đội ngũ; kỹ thuật chiến đấu bộ binh; chiến thuật bộ binh; một số hiểu biết về phòng thủ dân sự; kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân.

Trong đó, chủ đề hiểu biết chung về quốc phòng an ninh, học sinh sẽ được học về lịch sử, truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân; nội dung cơ bản của một số luật về quốc phòng và an ninh; ma túy và tác hại của ma túy; an ninh mạng; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh; chiến lược “diễn biến hòa bình; pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn giao thông.

Chủ đề kỹ thuật chiến đấu bộ binh giới thiệu cho học sinh một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật vản và vũ khí tự tạo; kỹ thuật sử dụng lựu đạn; kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK; chạy vũ trang.

Chủ đề chiến thuật bộ binh dạy học sinh các tư thế, động tác cơ bản vận động trong chiến đấu; việc lợi dụng địa hình, địa vật, nhìn nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo; tìm và giữ phương hướng.

Chủ đề phòng thủ dân sự, kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân, học sinh được học cách phòng tránh một số loại bom, mìn, đạn, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, vũ khí công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh và cháy nổ; kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương; kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân.

Ở cấp THPT, giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học chính khóa, giữ vai trò chủ chốt trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc.

Môn học bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ