Chương trình có sự tham của 160 học viên thuộc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội. Để nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn, ban tổ chức đã tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các học viên tham dự chương trình, từ đó lên kế hoạch và nội dung tư vấn cụ thể, phù hợp với nguyện vọng của các học viên tại cơ sở. Khảo sát cho thấy, có 160 phiếu tìm kiếm việc làm và 159 phiếu học nghề, phần lớn các học viên chưa qua đào tạo.
Tại chương trình, các học viên đã được nghe thông tin về thị trường lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, các chính sách pháp luật của Nhà nước; tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm; cung cấp các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, cơ sở học nghề; chính sách vay vốn của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội dành cho các hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế … giúp các học viên định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Đại diện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cũng giới thiệu với các học viên về chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển dụng, yêu cầu tuyển dụng đối với từng vì trí việc làm để các học viên lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân; từ đó rút ngắn dần những khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm của họ.
Tính đến ngày 15/2/2017, Hà Nội có hơn 12.800 người nghiện và sử dụng ma tuý có hồ sơ quản lý, trong đó 8.727 người có mặt tai cộng đồng, số còn lại đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện và quản lý trong trường giáo dưỡng, trại giam…và tăng qua các năm. Trước tình hình đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, động viên người nghiện ổn định việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng xã hội.