Chú trọng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

GD&TĐ - Thời gian qua, các trường học tại TPHCM đã rất chú trọng việc lồng ghép các tiết học ngoài nhà trường, tiết học ngoại khóa, các chuyên đề tích hợp, liên môn nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.

Chương trình thu gom vỏ hộp sữa do Tetra Pak khởi xướng
Chương trình thu gom vỏ hộp sữa do Tetra Pak khởi xướng

Thông qua đó, các em HS ngoài việc hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, những hoạt động này còn giúp các em hình thành thói quen, có những hành vi ứng xử thông minh, thân thiện với môi trường ở trường học, tại gia đình và ngoài xã hội.

Tại Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1), ngay từ đầu năm học 2018-2019, tổ Vật Lý của trường đã phát động và tổ chức cuộc thi xe thế năng với yêu cầu làm từ các vật dụng tái chế. Theo đó đã có gần 40 chiếc xe vô cùng độc đáo như xe cứu hỏa, xe con ong, xe tăng, xe đua,… được các nhóm học sinh làm từ đồ tái chế như ống lon, đĩa CD... đã qua sử dụng cùng nhau tranh tài. Với các em HS, đây là cuộc thi vô cùng thú vị, bổ ích, giúp các em áp dụng những kiến thức được học vào thực tiễn, cụ thể là định luật thế năng trong Vật lý để làm ra mô hình những chiếc xe. Đặc biệt, qua việc sử dụng đồ tái chế, các em sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Các em học sinh được hướng dẫn xử lý hộp sữa giấy sau khi uống
 Các em học sinh được hướng dẫn xử lý hộp sữa giấy sau khi uống

Tương tự, mới đây, các em nhỏ của Trường mầm non Quận Tân Bình cũng đã được trải nghiệm cách xử lý hợp vệ sinh, phân loại vỏ hộp sữa sau khi sử dụng thông qua chương trình “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường”. Đây là chương trình do Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cùng Công ty Tetra Pak phối hợp tổ chức, nhằm truyền thông và giáo dục cho các em học sinh mầm non về lợi ích của phân loại và tái chế rác thải; thực hành phân loại vỏ hộp sữa giấy - một loại rác thải sinh hoạt thân thuộc mà gần như em nhỏ nào cũng đang hàng ngày bỏ chung vào thùng rác sinh hoạt gây lãng phí.

Buổi chuyên đề được truyền tải tới các em nhỏ bằng một hoạt cảnh vui với các nhân vật hoạt hình như bò sữa, thỏ, gấu, hươu và cách dẫn truyện dí dỏm của chú hề đã khiến các em nhỏ vô cùng thích thú. Các em nhỏ sau khi uống sữa đã được các nhân vật hướng dẫn cách xử lý đơn giản xếp gọn và phân loại riêng vỏ hộp sữa giấy để thu gom tái chế.

Thông điệp chương trình được thể hiện qua vở kịch thú vị của các nhân vật hoạt hình
Thông điệp chương trình được thể hiện qua vở kịch thú vị của các nhân vật hoạt hình 

Cô Phạm Thị Kim Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục cho trẻ có nhận thức ban đầu về bảo vệ môi trường thông qua việc làm rất đơn giản là xếp lại vỏ sữa đã sử dụng, bỏ vào nơi quy định. Từ những hành động nhỏ này, khi làm mỗi ngày sẽ tạo cho trẻ thói quen, hình thành ý thức bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những hoạt động để nhằm thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020 mà Bộ GD&ĐT triển khai.

Được biết, chương trình truyền thông học đường “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” do công ty Tetra Pak khởi xướng dự kiến tổ chức và thực hiện trong năm học 2018 – 2019, nhằm giáo dục nhận thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh tại 30 trường mầm non trên địa bàn thành phố thông qua các hoạt động truyền thông và thực hành phân loại vỏ hộp sữa; nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tốt cho các em học sinh trong việc phân loại chất thải rắn để tái chế, góp phần bảo vệ môi trường.

Từ năm 2016, Sở Tài Nguyên và Môi Trường cùng Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức lễ ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động giáo dục và truyền thông về môi trường trong trường học giai đoạn 2016-2020. Với mục đích nhân rộng mô hình trường học xanh - sạch - đẹp, thực hiện các giải pháp 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) và phân loại chất thải tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, trong vòng 5 năm tới, liên sở sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt về bảo vệ môi trường tại các trường học, hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường trong các hoạt động giáo dục và truyền thông tại đơn vị, xây dựng tài liệu và công cụ hỗ trợ hoạt động giáo dục về môi trường, tuyên dương và khen thưởng các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực cho hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học…

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ