Chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh

Chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh

(GD&TĐ) - Đó là yêu cầu đặt ra của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội nghị giao ban lần thứ 2 năm học 2011 - 2012 các Sở GD&ĐT vùng đồng bằng Bắc bộ (vùng thi đua số 2).

Hội nghị diễn ra ngày 22/2/2012 tại thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, do Bộ GD&ĐT phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ (vùng thi đua số 2) tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa; cùng sự tham dự của Giám đốc các Sở GD&ĐT vùng 2; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Công đoàn ngành và các Phòng chức năng thuộc các Sở GD&ĐT trong vùng. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo cáo về kết quả triển khai nhiệm vụ từ đầu năm học đến nay và tình hình triển khai nhiệm vụ đến hết năm học 2011 - 2012 do ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình - đơn vị trưởng vùng - cho biết, ngay từ đầu năm học, nhất là từ sau Hội nghị giao ban lần một (diễn ra tại Thái Bình ngày 20/10/2011) đến nay, ngành GD&ĐT các tỉnh vùng 2 đã nỗ lực cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ học kỳ I, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ học kỳ II và cả năm học. Cụ thể đối với kết quả triển khai các cuộc vận động và phong trào thi đua, ngành GD&ĐT các tỉnh đều đã có sự chủ động triển khai sâu rộng, đi vào hoạt động thiết thực gắn liền với việc nâng cao chất lượng GD toàn diện. Thống kê cho thấy 100% trường học trong vùng 2 đều tổ chức triển khai thực hiện phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; hầu hết các nhà trường trong vùng đã có công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ HS ở tất cả các cấp học, việc thực hiện chế độ chính sách đối với HS, SV thuộc diện chính sách, hộ nghèo, HS dân tộc ít người được bảo đảm. Công tác xã hội hóa GD được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu số HS bỏ học. Đặc biệt các địa phương trong vùng, kể cả vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người đã không còn tình trạng HS phải bỏ học do thiếu ăn, thiếu quần áo, thiếu sách vở... 

Nhận thấy vai trò quan trọng của GD&ĐT đối với sự phát triển toàn diện của địa phương, trong những năm gần đây việc tăng cường đầu tư cho GD&ĐT đã ngày càng được các cấp đảng ủy, chính quyền các tỉnh trong vùng quan tâm và đẩy mạnh. Bằng chứng rõ nét nhất là CSVC phục vụ GD&ĐT đã được tăng cường đầu tư ở hầu hết các tỉnh; chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy - học, GD không ngừng được nâng lên. Cụ thể ở cấp tiểu học, kết thúc học kỳ I năm học 2011 - 2012, các tỉnh vùng 2 có trên 96% HS được xếp loại thực hiện đầy đủ về hạnh kiểm, trên 98% HS được xếp loại từ trung bình trở lên bộ môn Tiếng Việt, 97% HS được xếp loại trung bình trở lên về môn Toán. Đối với THCS và THPT, số HS khá giỏi chiếm tỷ lệ cao, ổn định và tăng so với năm học trước. Bên cạnh chất lượng GD, số trường đạt chuẩn Quốc gia của các tỉnh trong vùng cũng không ngừng được tăng lên trong thời gian qua ở tất cả các cấp học, ngành học. Công tác PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS được duy trì có chất lượng, công tác phân luồng HS sau THCS ngày càng được chú trọng hơn... 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, GD các tỉnh vùng 2 cũng còn những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục kịp thời. Đó là sự chênh lệch về chất lượng GD giữa các vùng, miền, cơ sở GD ở mỗi tỉnh; việc khai thác, sử dụng các điều kiện dạy - học ở một số nơi chưa tốt, chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương; công tác xây dựng các cơ sở GD chất lượng cao phát triển chưa mạnh; chưa tạo thành mô hình chất lượng toàn diện để nhân rộng; việc xây dựng các điển hình tiên tiến qua thực tiễn các phong trào thi đua và nhân rộng còn hạn chế... 

Với thực tế đó, tại Hội nghị, ngành GD&ĐT các tỉnh vùng 2 đã nhất trí kế hoạch và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến hết năm học 2011 - 2012; với 3 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: Tiếp tục thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhằm nâng cao chất lượngGD, đặc biệt là GD đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho HS; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý GD; Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng GD. Cùng với các nhiệm vụ này, lãnh đạo ngành GD các tỉnh vùng 2 cũng đã có những đề xuất và kiến nghị với Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành liên quan một số vấn đề nổi cộm liên quan đến chế độ chính sách; về việc triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; về phổ cập GDMN; việc ban hành sớm quy chế thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần công văn số 5648/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ khảo thí và kiểm định chất lượng GD năm học 2011 - 2012, yêu cầu về đầu tư, đổi mới nâng cao chất lượng các trường Sư phạm... Phần lớn các đề xuất, kiến nghị trên cũng như một số ý kiến khác được nêu ra trong phần thảo luận, đã được đại diện lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Cục Nhà giáo, Vụ GD Trung học, Vụ GD MN, Thanh tra Bộ... giải đáp ngay tại Hội nghị, đồng thời cung cấp thêm một số thông tin mới hoặc làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc trong triển khai hoặc trong tiếp nhận của các cơ sở liên quan đến các văn bản chỉ đạo, các quy định về chế độ chính sách hay quy định về đánh giá chất lượng trong ngành.... 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong học kỳ I năm học 2011 - 2012 cũng như những năm gần đây của các đơn vị GD thuộc vùng 2. Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT cần tiếp tục phát huy những kết quả này, đưa chất lượng GD&ĐT không ngừng phát triển, xứng đáng với vị trí dẫn đầu trong số các vùng thi đua trên cả nước. 

Yêu cầu được Thứ trưởng đặt ra trong thời gian tới là cần quan tâm hơn tới chất lượng, nhất là chất lượng GD toàn diện cho HS, bắt đầu từ công tác phổ cập GDMN 5 tuổi (trong đó chú trọng chính sách cho đội ngũ và tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống CSVC phục vụ công tác dạy - học); tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng góp phần nâng cao chất lượng dạy - học. Trước mắt tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đúng quy chế, phản ánh được chất lượng thực của HS; tập trung hơn nữa việc đầu tư CSVC, trên cơ sở vốn trung ương, các tỉnh cần chủ động các vốn lồng ghép, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn vốn đầu tư; không ngừng đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và hướng vào thực chất đối với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của đất nước cũng như của ngành... 

Phân tích một số mặt đã đạt được, những mặt còn hạn chế của GD&ĐT các tỉnh trong vùng thời gian qua cũng như một số vướng mắc tác động tới sự phát triển của ngành, Thứ trưởng nhấn mạnh bên cạnh trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc sớm triển khai các văn bản hướng dẫn, các định hướng chỉ đạo của ngành cũng như các thông tư liên tịch với bộ ngành liên quan về những vấn đề trọng điểm, các Sở GD&ĐT cũng cần đẩy mạnh hơn nữa sự chủ động và linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ của ngành; phát huy tinh thần sáng tạo để đưa chất lượng GD phát triển, đẩy mạnh công tác tham mưu tới chính quyền các cấp cũng như các cơ quan, ban ngành của địa phương đối với những vấn đề liên quan tới ngành...   

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải