Tọa đàm do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi, các trường sư phạm có trách nhiệm đào tạo giáo viên, còn trách nhiệm đào tạo giảng viên thuộc về cơ sở giáo dục đại học. Chương trình đào tạo giáo viên phải được kiểm định chất lượng.
Về hoạt động bồi dưỡng nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho hay, nội dung bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất và năng lực nhà giáo; đồng thời phải cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng chuẩn nhà giáo. Việc bồi dưỡng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động.
Có nhiều hình thức bồi dưỡng nhà giáo như: bồi dưỡng tập trung; học tập, trao đổi kinh nghiệm; hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn, hội nghị, hội thảo, trao đổi học thuật trong và ngoài nước. Ngoài ra, nhà giáo có thể tự học, tự nghiên cứu hoặc tự học có hướng dẫn.
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trao đổi tại tọa đàm. |
Liên quan đến hợp tác quốc tế đối với nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh, hoạt động này nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế nhà giáo Việt Nam và hội nhập quốc tế. Nguyên tắc chung là, đảm bảo quy định của pháp luật Việt Nam; phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng
Tham luận tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh 5 nguyên tắc hiệu quả trong phát triển chuyên môn của giáo viên, gồm:
Thứ nhất, độ dài thời gian của việc bồi dưỡng phải đảm bảo phù hợp và liên tục
Thứ hai, phải có sự hỗ trợ giáo viên trong quá trình họ bắt đầu vận dụng
Thứ ba, cần giới thiệu cho giáo viên kiến thức, kỹ năng mới bằng nhiều kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực
Thứ tư, làm mẫu là biện pháp hiệu quả nhất giúp giáo viên hiểu về phương pháp dạy học mới.
Thứ năm, nội dung được trình bày với giáo viên cần hết sức cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham luận tại tọa đàm. |
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, bồi dưỡng nhà giáo cần đặt trong hệ quy chiếu, với nhiều yếu tố cần cân nhắc như: giáo viên là học viên người lớn (có kinh nghiệm, ít thời gian, nhiều mối quan tâm…); bồi dưỡng, đào tạo phải có tác động đủ liều mới đưa đến sự thay đổi; kinh phí triển khai bồi dưỡng có hạn.
Nhấn mạnh đến chu trình bồi dưỡng giáo viên, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ 7 giai đoạn của chu trình này: Xác định nhu cầu; lập kế hoạch; thực hiện; lập hồ sơ bồi dưỡng; phản hồi; đánh giá và vận dụng chia sẻ; trong đó yếu tố tự học được coi là tâm điểm của chu trình này.
GS.TS Đinh Quang Báo chia sẻ tại tọa đàm. |
Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào năng lực của người thầy. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng.
Từ hoạt động này, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn, năng lực sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên và giảng viên các trường sư phạm cũng cần đổi mới một cách đồng bộ.
Dự thảo Luật Nhà giáo dành riêng Chương VI (7 Điều, từ Điều 48 đến Điều 54) quy định đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo. Luật Nhà giáo quy định về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh và bảo vệ nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục.