Đó là chia sẻ của GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên, Hội đồng quốc gia PTNL tại phiên họp thứ nhất tư vấn về “Những chính sách GDTX cần được khẳng định trong Luật Giáo dục sửa đổi”.
Thúc đẩy học tập suốt đời
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn CNH, HĐH trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc thúc đẩy GDTX, học tập suốt đời càng trở nên bức thiết.
Mọi công dân trong xã hội đều phải HTSĐ, coi việc học tập là quyền lợi chính đáng và cũng là nghĩa vụ lớn lao. Vì vậy, Luật “Học tập suốt đời” trước sau cũng phải được đặt ra trước Quốc hội.
Để GDTX khẳng định vai trò của mình như là một bộ phận quan trọng không tách rời của hệ thống GD quốc dân, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, cần phải xây dựng những chính sách phát triển các thể chế GD người lớn để phục vụ việc học tập của con người qua các lứa tuổi. Nhà nước cần khẳng định chức năng phục vụ học tập suốt đời của các thiết chế văn hóa và giáo dục như nhà văn hóa, thư viện, CLB cùng nhiều thiết chế khác.
Cần có quy định của Nhà nước đối với các trường cao đẳng, đại học, các trường dạy nghề, các viện nghiên cứu KH… về nhiệm vụ chia sẻ tri thức mới, kỹ năng mới cho bất cứ ai có như cầu học tập. Cần có chính sách để các doanh nghiệp tích cực thực hiện việc tổ chức cho người lao động học tại nơi làm việc.
Trong chương trình học tập của trường phổ thông và các trường dạy nghề cũng như các trường CĐ, ĐH trong các trung tâm người lớn cần đề cao việc dạy và học ngoại ngữ và tin học như một lĩnh vực GD phổ cập. Đây là điều kiện rất quan trọng để người lớn tự học tập qua máy tính và các phương tiện công nghệ thông minh khác, giúp cho họ thuận lợi học tập từ xa, học tập trực tuyến…
Ảnh minh họa |
Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách
Chia sẻ về vai trò của GDTX, PGS.TS Phạm Ngọc Thanh, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết: Ngày nay thuật ngữ “GD người lớn” được dùng khá phổ biến trên thế giới, nội hàm gần với “GD thường xuyên”.
Trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục 2019, điều 40, 41, 42 cơ bản thể hiện bản chất của GDTX giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, GDTX đã được quan tâm phát triển từ rất sớm. Ngay sau khi thành lập nước, Hồ Chủ tịch ban hành sắc lệnh số 17 về việc thành lập Nha bình dân học vụ. Sau 30 năm đổi mới, có thể khẳng định, GDTX đã đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện GDTX, vẫn còn khá nhiều thiếu sót, hạn chế. Nguyên nhân sâu xa của những thiếu sót đó lại nằm ở công tác quản lý và những người tổ chức thực hiện. Các nhà quản lý kinh doanh hiện đại cho rằng, 90% các thất bại kinh doanh là do thiếu năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. Trong lĩnh vực GD cũng tương tự như vậy.
Ngoài ra cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến chất lượng GDTX chỗ này chỗ kia chưa đạt được yêu cầu như chúng ta mong muốn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ, thậm chí loại bỏ các cơ sở GDTX.