Chủ tịch WEF chia sẻ với sinh viên về định vị bản thân trong kỷ nguyên thông minh

GD&TĐ - GS Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã có những chia sẻ tâm huyết khi giao lưu với sinh viên ĐHQG Hà Nội.

GS Schwab chia sẻ khi đến thăm ĐHQG Hà Nội.
GS Schwab chia sẻ khi đến thăm ĐHQG Hà Nội.

Chia sẻ với các sinh viên về sự biến đổi của thế giới, GS. Klaus Schwab nhắc đến đầu tiên là sự chuyển đổi về công nghệ.

“8 năm trước tôi, trong một cuốn sách tôi viết có đưa ra thuật ngữ mới: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đưa ra những công nghệ sẽ định hình thế giới của chúng ta. Rất nhiều công nghệ tôi dự đoán trong cuốn sách thành sự thật. Chúng ta không chỉ ở trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn trong thời đại mới”, GS. Klaus Schwab chia sẻ.

Theo GS. Klaus Schwab, kỷ nguyên số sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện: thay đổi về mô hình kinh doanh, thay đổi về tính cạnh tranh của các quốc gia… Hiện nay, những công nghệ mới, đặc biệt là AI sẽ thâm nhập vào hết các hoạt động; mang lại cơ hội mới về tài chính, dịch vụ, hành chính, những lĩnh vực thiên về đổi mới sáng tạo.

“Như vậy, cần phải làm gì để chuẩn bị cho bản thân hướng tới xã hội mới?”. Đặt câu hỏi này, GS. Klaus Schwab nhấn mạnh: cơ sở hạ tầng số sẽ đóng vai trò quan trọng với những công nghệ như 5G. Tài nguyên về con người, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng mềm cần có cơ chế đào tạo lại, đào tạo nâng cao để cung cấp cho mọi người kỹ năng chuẩn bị cho thế giới mới với yêu cầu năng lực khác so trước đây.

Cùng với đó, cần hệ sinh thái kinh doanh, hệ sinh thái doanh nghiệp. “Các bạn trẻ ở đây hãy cố gắng không chỉ làm cho doanh nghiệp lớn. Tôi cũng muốn xem trong các em ai mơ ước trở thành doanh nhân, nhà khởi nghiệp? Có lẽ, điều chúng ta cần là công nghệ lõi để thúc đẩy việc này”. GS. Klaus Schwab chia sẻ và nhắc đến việc Việt Nam đã có kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới. Đây sẽ là điều quan trọng giúp Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới với những cơ hội mới.

vnu1-2326.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và GS. Klaus Schwab, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân giao lưu cùng sinh viên.

Một vấn đề khác cũng được GS. Klaus Schwab nhấn mạnh là hợp tác công tư. Ông cho rằng, những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trên thế giới chỉ có thể được giải quyết nếu có sự hợp tác, kết hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thành công trên thế giới đều chia sẻ điểm chung là họ quan hệ chặt chẽ với khối công Chính phủ nhà nước. Hơn nữa, cần phải hỗ trợ cho sự phát triển công nghệ mới với chính sách phù hợp. Cần có môi trường thử nghiệm, có học hỏi, thích ứng với những công nghệ mới này.

Cùng với đó là tầm quan trọng của hội nhập vào hệ thống toàn cầu. Theo GS. Klaus Schwab, chúng ta phải học hỏi lẫn nhau và nhìn xem những công nghệ nào phát triển phi mã để có những hợp tác quốc tế phát triển tương ứng, hỗ trợ cho sự phát triển này. Công nghệ sẽ thúc đẩy, thay đổi cuộc sống và ảnh hưởng đến mỗi người. Các sinh viên ngồi đây cũng chính là những người đi đầu trong cuộc cách mạng này.

Trong bài phát biểu, GS. Klaus Schwab cũng nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ đơn giản ứng dụng công nghệ thông minh mà phải xanh hóa, kiểm soát những thay đổi, tác động của môi trường. Xanh hóa không phải là một lựa chọn mà là bắt buộc.

“Chúng ta đang sống trong thế giới nhiều thay đổi, gặp khó khăn để thích ứng sự thay đổi đó. Tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam phản ứng lại rất lạc quan. Dựa trên sự lạc quan, tính xây dựng, các em sẽ có cơ hội rất lớn để xây dựng tương lai Việt Nam.

Hãy thành công nhưng cần hiểu rằng các em là một thành phần của cộng đồng, của Việt Nam, của cộng đồng quốc tế. Thành công không chỉ đơn giản ở cấp độ cá nhân mà còn được đánh giá qua đóng góp của các em với tư cách là thành phần của một quốc gia và của thế giới nói chung”, GS. Klaus Schwab nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ