Chủ tịch VFF nói về tầm quan trọng của VAR

GD&TĐ - Lãnh đạo VFF và lãnh đạo Công ty VPF cùng cho rằng việc áp dụng VAR sẽ giúp các trận đấu công bằng hơn và góp phần nâng cao chất lượng V-League.

VAR dự kiến được áp dụng ở lượt trận 3 giai đoạn hai của V-League 2023.
VAR dự kiến được áp dụng ở lượt trận 3 giai đoạn hai của V-League 2023.

Sau quãng thời gian dài chuẩn bị về trang thiết bị, con người và cơ sở vật chất, dự kiến công nghệ VAR sẽ được áp dụng ngay tại vòng 3 giai đoạn 2 Night Wolf V.League 2023.

Để có được kết quả này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty VPF, Ban Trọng tài VFF cùng đội ngũ trọng tài đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tiến gần tới việc công nghệ VAR xuất hiện tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ với truyền thông mới đây, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cùng Phó Chủ tịch VFF – Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú đã có những chia sẻ về quá trình từ những bước đầu tiên để đưa công nghệ VAR về Việt Nam.

“Năm 2019, khi sang tham quan Thai-League, chúng tôi thấy họ đã triển khai VAR. Do đó tôi cũng ấp ủ việc áp dụng VAR ở V.League. Ban đầu chúng tôi tưởng rằng điều này sẽ đơn giản, nhưng khi cử cán bộ liên hệ làm việc với FIFA thì chúng tôi nhận được danh sách yêu cầu rất phức tạp.

Từ đó, chúng tôi mới vỡ ra rằng mọi việc không hề dễ dàng chút nào. Kể cả Thai League khi đó cũng áp dụng VAR mà chưa có sự phê chuẩn của FIFA, nên họ phải dừng lại. Sau này khi được phê chuẩn thì họ mới được phép tiếp tục triển khai VAR.

Từ 2019 tới 2023, chúng ta mất 2 năm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời vẫn phải tuân thủ mọi yêu cầu chặt chẽ của FIFA. Dẫu vậy, các trọng tài Việt Nam tiếp thu rất nhanh, đồng thời VPF cũng nhanh chóng triển khai các phương án tài chính, đấu thầu thiết bị và mọi công việc khác.

Nhờ vậy, chúng ta đã có xác nhận đạt tiêu chuẩn áp dụng VAR của FIFA từ cuối tháng 6, thay vì tháng 9 hoặc tháng 10 theo tiến độ đặt ra ban đầu”, ông Trần Anh Tú nói.

Trong khi đó, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Đầu tiên, tôi muốn khẳng định về tầm quan trọng của VAR. Khi VAR được áp dụng vào hệ thống thi đấu sẽ giúp các trận đấu được công bằng hơn, chất lượng giải đấu cũng nâng cao hơn. VAR là bước đột phá trong việc phát triển bóng đá thế giới.

Ngay từ lần đầu tiên áp dụng chính thức từ World Cup 2018 tại Nga, VAR đã nhận những đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Tại AFF Suzuki Cup 2020, đại diện các nền bóng đá khu vực Đông Nam Á đã có những trao đổi, với sự tham gia của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Đây là tâm tư của nhiều nền bóng đá, làm sao có hệ thống VAR để áp dụng vào giải đấu của mình, góp phần giảm thiểu sai sót của trọng tài. Công tác trọng tài là thách thức, với nhiều khó khăn.

Cường độ, tính chất giải đấu gây áp lực tới công tác trọng tài rất lớn. Vì thế VAR đóng vai trò rất quan trọng, là công cụ để đội ngũ trọng tài đưa ra phán quyết chính xác hơn.

Tuy nhiên để có VAR, cần rất nhiều yếu tố, tài chính cũng như đào tạo con người để thích ứng với công nghệ đều đóng vai trò quan trọng”, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Dự kiến, VAR sẽ được áp dụng ngay tại vòng 3 – giai đoạn 2 Night Wolf V.League 2023. Công ty VPF và Ban Trọng tài VFF sẽ làm việc với tất cả đội bóng tham dự giải, nhằm phổ cập thông tin tới cầu thủ và thành viên của các CLB, đảm bảo các công tác vận hành cho VAR trong quãng thời gian 3 năm tới, khi FIFA luôn giám sát toàn bộ quá trình vận hành VAR tại Việt Nam.

Theo thông báo của VPF, trận đấu giữa Viettel FC với CLB Hà Tĩnh tại vòng 3 giai đoạn 2 diễn ra vào ngày 27/7 tới sẽ là trận đấu đầu tiên mà V-League 2023 áp dụng công nghệ VAR.

Ngày 14/7 và 15/7 vừa qua, VPF và Ban Trọng tài đã có buổi làm việc đầu tiên với CLB Viettel và CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, nhằm phổ cập thông tin tới các cầu thủ và thành viên của các CLB V-League.

Đối với sân thi đấu của trận đấu có VAR, FIFA cũng yêu cầu tất cả các sân phải được đo trắc địa bằng máy móc chuyên dụng, cung cấp các số liệu kích thước chính xác để tích hợp đường kẻ việt vị ảo cho hệ thống kỹ thuật xe VAR.

Đội ngũ kỹ thuật sẽ mất khoảng 4 ngày làm việc/sân thi đấu để có thể hoàn thành việc đo đạc đảm bảo độ chính xác cho đường kẻ việt vị ảo khi vận hành trận đấu có VAR.

Các bước triển khai áp dụng công nghệ VAR tại Việt Nam đều được FIFA theo sát và sẽ giám sát toàn bộ quá trình vận hành liên tục trong vòng 3 năm tới.

Công nghệ VAR (Video Assistant Referee) là công nghệ sử dụng video để hỗ trợ trọng tài. Công nghệ được sử dụng phổ biến ở các giải đấu bóng đá lớn và hỗ trợ cho trọng tài theo dõi trận đấu để đưa những quyết định chính xác nhất, hạn chế tối đa những trường hợp tranh cãi.

Số lượng máy quay của VAR phụ thuộc cơ sở hạ tầng của từng giải đấu khác nhau. Camera được hoạt động liên tục với đầy đủ mọi góc nhìn, những vị trí thường gây tranh cãi như cầu môn và đường biên được sử dụng camera chuyên dụng.

Dựa theo quyết định của Liên đoàn Bóng đá thế giới, công nghệ VAR chỉ được hỗ trợ ở những tình huống nhất định. Những tình huống có thể kể đến như: xác định lỗi bàn thắng, phạt trực tiếp (11m) và các lỗi dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.