Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu đã ôn lại truyền thống hào hùng của Quân đoàn qua gần 43 năm xây dựng và phát triển.
Quân đoàn 2 là đơn vị chủ lực đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại chiến trường, ngày 17/5/1974; gồm các lực lượng tinh nhuệ thuộc các binh chủng. Ngay sau khi được thành lập, Quân đoàn 2 đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà, giải phóng Thượng Đức; làm thất bại kế hoạch phản công tái chiếm của địch, khẳng định ưu thế vượt trội của quân giải phóng.
Từ chiến thắng Thượng Đức, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 đã tham gia các mũi tấn công chủ lực giải phóng Sài Gòn. Sau năm 1975, Quân đoàn 2 tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, biên giới phía bắc, lập nhiều chiến công, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã bày tỏ vui mừng về những thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước đạt được thời gian qua; đồng thời nêu lên những bài học kinh nghiệm trong xây dựng quân đội, đối ngoại quốc phòng, xây dựng thế trận toàn dân; chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục xây dựng phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ban liên lạc Quân đoàn 2 đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn để các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời mong các đồng chí cán bộ cấp cao cựu chiến binh Quân đoàn 2 tiếp tục phát huy truyền thống, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của những cựu chiến binh Quân đoàn 2 trong việc tiếp tục có những đóng góp xây dựng, củng cố truyền thống để Quân đoàn vững mạnh toàn diện, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ công lao, những hy sinh và cống hiến to lớn của các chiến sĩ, người có công với cách mạng trên cả nước đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước; đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành, địa phương làm tốt chế độ chính sách, đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội.
Thời gian qua, ngoài chính sách của Đảng và Nhà nước, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... đã chung sức đồng lòng xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội. Trong hoạt động của mình, ngoài việc ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, Quốc hội còn thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện cũng như hoàn thiện chính sách người có công, coi đây là việc làm được chú trọng thường xuyên.