Chủ tịch nước làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa

Ngày 20/2, tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2016; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 và giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,05%, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 1.620 USD. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,1%. Toàn tỉnh có 1 huyện, 158 xã và 300 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.589 tỷ đồng, vượt 1,7% kế hoạch; tỉnh có 1.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Trong năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD (năm 2017 đạt 1.750 USD); tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 615.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 2 tỷ USD trở lên (kế hoạch năm 2017 đạt 1,85 tỷ USD). Tỉ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 35%; tỉ lệ xã đạt nông thôn mới năm 2020 đạt 60% trở lên (năm 2017 đạt 35,4%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 đạt 13.512 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.312 tỷ đồng... Mục tiêu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, tạo nền tảng đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Chủ tịch nước cũng đồng tình với một số khó khăn, hạn chế hiện nay của Thanh Hóa như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa bền vững; hiệu quả của nền kinh tế và thu nhập bình quân trên đầu người còn thấp so với trung bình cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn...

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Thanh Hóa khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững. “Tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; chú trọng phát triển theo chiều sâu để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; lựa chọn và ưu tiên nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực để tạo sức lan tỏa phát triển chung của cả tỉnh; tăng cường phối hợp, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa phải quan tâm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; ưu tiên nguồn lực để tập trung phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch, nhất là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

Đi cùng với đó là nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Tỉnh Thanh Hóa phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa, chăm lo nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp; xây dựng chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; quan tâm xử lý tốt các điểm ô nhiễm môi trường, không để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. 

Tỉnh Thanh Hóa cũng cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, gắn với triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa là rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, vì vậy đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Chủ tịch nước cũng ghi nhận những mục tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 “phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” là rất tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 20/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã dự lễ và phát động khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông ven biển nối thị xã Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1). 

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn công tác Trung ương đã đi thăm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.