Hiện nay đã có 128 dự án của Việt Nam đã được Chính phủ Campuchia cấp phép đầu tư, tăng gấp 3,5 lần so với trước năm 2009, tổng số vốn đạt gần 3,36 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ 5 trong hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Campuchia. Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã được triển khai tốt, đầu tư dứt điểm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Campuchia và được ghi nhận.
Tại buổi gặp mặt, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia kiến nghị Chính phủ hai nước chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chiến lược hợp tác song phương dài hạn, để tiếp tục kết nối bền chặt giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia .
Sớm hoàn thiện các thủ tục để Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định này có hiệu lực chính thức; sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; tiếp tục thực hiện và hoàn thành sửa đổi bổ sung Hiệp định Thương mại và Hiệp định về mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở các khu vực biên giới, giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những thành tích đã đạt được của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động đầu tư tại Campuchia thời gian qua; đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng phát triển đất nước Campuchia, thắt chặt mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia còn rất lớn. Để thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề ra các biện pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp đầu tư dài hạn, ổn định vào Campuchia theo nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh bị chi phối bởi các quy định hội nhập khu vực và quốc tế, do vậy sẽ khó ra đời những ưu đãi đại trà, mà doanh nghiệp cần tự nỗ lực, đầu tư vào các dự án đem lại hiệu quả, khi làm ăn tại nước bạn phải giữ uy tín và hình ảnh của quốc gia.
Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức tuân thủ những quy định pháp luật của Campuchia; tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Campuchia khi tiến hành đầu tư; tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đầu tư.
Đồng thời trong quá trình mở rộng hoạt động tại Campuchia, cần nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, góp phần vào quá trình phát triển của đất nước Campuchia và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Chủ tịch nước đã chứng kiến lễ ký kết phối hợp giữa Đại sứ quán với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia.