Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam: Hà Nội chưa bao giờ ô nhiễm nghiêm trọng như thế

GD&TĐ - Ngày 12/11, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội tràn ngập màu tím (nguy hại), thậm chí màu nâu (AQI trên 300, mức cực kỳ nguy hại, cấm ra đường). TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, không khí chưa bao giờ ô nhiễm nghiêm trọng như thế.

Bầu trời Hà Nội bị bao phủ bởi lớp khói bụi. 	Ảnh: Thế Đại
Bầu trời Hà Nội bị bao phủ bởi lớp khói bụi. Ảnh: Thế Đại

Người khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng nguy hiểm

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội mấy ngày gần đây ở mức nghiêm trọng, đến mức báo động nguy hại. Đây là mức chưa từng thấy. Nhiều nơi chỉ số AQI đã vượt mức 300. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng nâu theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và ngưỡng nguy hại theo cách tính AQI của Việt Nam.

Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Với mức ô nhiễm này, khuyến cáo tất cả mọi người bao gồm cả nhóm nhạy cảm là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp và nhóm khỏe mạnh đều phải ở trong nhà.

Hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng vào sáng 12/11 khi điểm đo ở Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) lên ngưỡng nâu. Đây là mức nguy hại với chỉ số AQI lúc 6 giờ sáng 12/11 lên 324.

Nhiều điểm đo xấp xỉ ngưỡng nguy hại như Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) là 299. Điểm đo Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy) là 295. Hầu hết các điểm đo của hệ thống này ở ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.

Tình trạng ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Hồng Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím. Trước tình trạng này, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường hoặc đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 khi ra ngoài.

Nghịch nhiệt không phải nguyên nhân chính?

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch cho biết, trong nhiều năm nghiên cứu về chất lượng không khí, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến chỉ số ô nhiễm cao như vậy. “Với mức ô nhiễm này, tôi cho rằng, Hà Nội cần cảnh báo để người dân có cách bảo vệ sức khỏe của mình.

Nguyên nhân nghịch nhiệt thường dùng để lý giải cho các lần ô nhiễm không khí trước đây, hiện nay không còn hợp lý. Có thể một nguồn ô nhiễm lớn đang phát ra ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận”, ông Tùng cho biết.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ trước đến nay như vậy? Bởi năm nào cũng có nghịch nhiệt, năm nào cũng có mùa đông, năm nào cũng có bụi mịn, nhưng chưa bao giờ chỉ số ô nhiễm không khí lại cao như vậy. GS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, nguồn phát thải ô nhiễm có rất nhiều.

Mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, mỗi km xe chạy, hay mỗi ngôi nhà, công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm không khí. Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Hà Nội cần vào cuộc làm rõ nguồn thải, có giải pháp ngăn ngừa.

“Nguyên nhân của ô nhiễm tăng cao một phần bởi Nhà nước thiếu quy hoạch, khiến nhà máy phát thải gần các TP lớn. Không loại bỏ được xăng pha chì. Chưa nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4. Chưa ủng hộ mạnh mẽ cho thúc đẩy năng lượng sạch. Việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải còn rất hạn chế”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định.

Còn TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội cho rằng, khí thải từ các khu công nghiệp, nhà máy ở ven đô, thậm chí nhiều làng nghề đang tồn tại ở nội đô đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phương tiện giao thông đang quá lớn, hiện chưa có biện pháp nào để giảm... Chưa tính toán được cụ thể các nguồn phát thải nên không có giải pháp xử lý.

Ô nhiễm nghiêm trọng còn kéo dài

Tổng cục Môi trường cho biết, Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng. Đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Ngày 13/11 sẽ có gió mùa và có mưa, tình trạng ô nhiễm giảm, nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng. Người dân không mở cửa sổ, hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng và nên sử dụng khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường.

TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội sẽ còn phải đón nhiều đợt nghịch nhiệt trong mùa đông này, cũng như những mùa đông tới. Nghĩa là tình trạng ô nhiễm không khí sẽ kéo dài trong suốt mùa đông, với nhiều đợt khác nhau. Chỉ khi nào có mưa hoặc gió mùa đông bắc thì không khí mới được làm sạch.

Theo GS Hoàng Xuân Cơ, chúng ta vẫn chưa thực sự làm tốt công tác khuyến cáo tác hại của ô nhiễm không khí. Chưa đưa ra các giải pháp giúp người dân tự bảo vệ mình. Đó là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các nhà khoa học. Việc đầu tư cho công tác nghiên cứu không khí chưa đúng mức và cần quan tâm hơn đến vấn đề này.

GS Hoàng Xuân Cơ cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chất lượng không khí ở Việt Nam đang kém đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ quan chủ quản nào của Việt Nam nghiên cứu toàn diện chất lượng không khí.

Những nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam chủ yếu chỉ là đơn lẻ, chưa phản ánh đúng bản chất, được cơ quan có thẩm quyền công bố. Các nhà khoa học vẫn chủ yếu nghiên cứu theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, kinh phí tới đâu, nghiên cứu tới đó.

Tính đến nay, số liệu tản mạn nên chưa hình thành được cơ sở dữ liệu, cập nhật năm này qua năm khác, có tính liên tục về thời gian và không gian. Phải nghiên cứu bài bản, có số liệu tốt thì mới đánh giá chính xác chất lượng không khí và tìm ra được giải pháp khắc phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ