Có nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan dẫn đến thực trạng này. Một trong những nguyên nhân quan trọng là bởi phương pháp dạy học. Nếu vẫn thầy đọc - trò chép, truyền thụ kiến thức theo lối “đổ nước vào bình”, giáo viên đa phần chỉ dạy theo trong sách giáo khoa, ít mở rộng kiến thức, nghèo nàn các hình thức tổ chức dạy học… thì hiển nhiên môn học sẽ trở thành nhàm chán và học sinh dần mất đi sự hứng thú.
Theo các chuyên gia xây dựng chương trình môn Lịch sử, dạy và học lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực, giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức mà chú trọng hướng dẫn học sinh nhận diện, khai thác các nguồn sử liệu. Từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học...
Phương pháp được chú trọng là phát hiện và giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, coi trọng việc sử dụng các phương tiện trực quan như hiện vật, tranh ảnh lịch sử, bản đồ, biểu đồ, sa bàn, mô hình, phim tài liệu lịch sử.
Với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đã có riêng một văn bản hướng dẫn. Trong đó, yêu cầu dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói nghe và cảm thụ thẩm mỹ… Xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp học, viết, nói, nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động trong và ngoài lớp học…
Sân khấu hóa là hoạt động khá đặc trưng, thực hiện cần đầu tư công phu, nhưng đặc biệt hấp dẫn, có sức hút, rất phù hợp với môn Ngữ văn, Lịch sử cũng như yêu cầu đổi mới phương pháp nói trên. Chưa kể, với sự gần gũi của hai môn học, đây còn là kết hợp liên môn tuyệt vời, để học sinh từ lịch sử hiểu sâu hơn về tác phẩm văn học và ngược lại, nhờ văn chương giúp kiến thức lịch sử thêm hấp dẫn.
Với hoạt động sân khấu hóa, học sinh nghiên cứu, tìm hiểu, nhập vai, hóa thân vào nhân vật lịch sử, văn học; từ đó chủ động chiếm lĩnh, khắc sâu kiến thức và phát triển được nhiều kỹ năng khác, trong đó có tự học. Bởi sức hấp dẫn và hiệu quả như vậy, nhiều năm nay, hoạt động sân khấu hóa được các nhà trường áp dụng. Thậm chí có trường học còn phối hợp với đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp để tổ chức hiệu quả hơn hoạt động này. Tuy vậy, do cần đầu tư thời gian, nên tần suất triển khai cần phù hợp, không ảnh hưởng đến các môn học, nội dung kiến thức khác.
Đổi mới phương pháp dạy học được đặt ra và thực hiện quyết liệt từ nhiều năm nay. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng và có một cách tiếp cận khác.
Theo đó, Chương trình GDPT 2018, với yêu cầu học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học, vận dụng kiến thức), thì đổi mới phương pháp dạy học là tích cực hóa hoạt động học tập nhằm hình thành, phát triển năng lực tự học cho học sinh, thực hiện phương châm “học qua làm”.
Chuyển từ vị trí là “người dạy” sang “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động học của học sinh, người thầy chính là chủ thể quan trọng nhất trong triển khai đổi mới phương pháp, từ đó đem lại sức hấp dẫn cho môn học.