(GD&TĐ) - Theo các nhà kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin thì con người vừa là điểm khởi đầu vừa là sự kết thúc, là trung tâm của sự biến đổi lịch sử, là chủ thể chân chính của quá trình xã hội. Người thầy giáo trong đội ngũ nhà giáo với tư cách là chủ thể trong đổi mới giáo dục - đào tạo yêu cầu cần phải có tri thức, phương pháp công tác khoa học, có sức khoẻ và đạo đức trong sáng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, những giảng viên đại học cần thiết phải có quyết tâm vượt lên chính mình để phấn đấu thích ứng trước những yêu cầu về sự đổi mới ngay trong tư duy, trong hành động để vượt qua những khó khăn đạt chuẩn cả về năng lực và phẩm chất.
Trên giảng đường Học viện Hậu cần |
Nền giáo dục - đào tạo nước ta sau 65 năm xây dựng và trưởng thành, cứ sau một chặng đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đội ngũ nhà giáo được hun đúc trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc đã đào tạo ra các thế hệ nguồn nhân lực thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng đại của đất nước. Các nguồn lực về vốn, tài nguyên thiên nhiên, địa lý… là sự tồn tại tiềm năng, chỉ có tác dụng khi có ý thức con người. Chỉ có những người thầy có tư duy, trí tuệ với ý chí biết gắn kết các nguồn lực lại với nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp để nâng cao nguồn lực tri thức cho xã hội. Các nguồn lực khác là khách thể, chịu sự cải tạo của con người -đội ngũ nhà giáo là yếu tố quan trọng quyết định nhất để nâng cao chất lượng giáo dục.
Các nguồn lực về vốn tài nguyên... là có hạn, có thể phát triển tăng, giảm, cạn kiệt do nhiều lý do khác nhau trong quá trình vận động phát triển và trí tuệ của đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã và đang có khả năng tái sinh và sản sinh cả về sinh học tiếp tục đổi mới về chất nếu được chăm lo bồi dưỡng đào tạo, chính sách tốt và khai thác hợp lý.
Mỗi đội ngũ được đào tạo chuẩn, có tri thức, đạo đức, có kỷ luật nghiêm, trung thành với sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo Việt Nam, có ý chí vượt khó, không quản ngại gian khổ hi sinh, có khả năng và quyết tâm hội nhập là yếu tố tác động quyết định đến sự thành công của đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Trí tuệ của từng người thầy, của một tập thể nhà giáo thống nhất ý chí và hành động sẽ có sức mạnh to lớn để cụ thể hoá các bước đi thực hiện sự đổi mới trong khoa học quản lý giáo dục, bởi vì chính họ làm chủ nhiệm vụ, khám phá, sáng tạo, tìm giải pháp để chất lượng đào tạo ngày một tốt hơn, chuẩn hơn và tiết kiệm hơn. Sự minh bạch trong đào tạo được thể hiện ở sự công khai chuẩn đầu ra, kết quả việc làm của sinh viên, công khai sử dụng các nguồn tài chính, công khai về cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo; sự công nhận của doanh nghiệp và người sử dụng lao động thông qua các hợp đồng đặt hàng đào tạo là sự minh chứng tốt nhất của chất lượng đào tạo đạt chuẩn. Thông qua đó khẳng định vai trò chất lượng của đội ngũ nhà giáo và của cơ sở đào tạo.
Các gương mặt trẻ xuất sắc của Học viện kỹ thuật quân sự |
Thực tế chỉ ra rằng: để có một sản phẩm đào tạo có chất lượng cao, đòi hỏi có một hoạt động chiến lược giáo dục - đào tạo đúng với sự đòi hỏi của cách mạng; sự thống nhất cao từ trung ương đến cơ sở đào tạo, phải có sự minh bạch trong sáng, chính quy trong hệ thống quản lý Nhà nước. Không có một sự vận hành nào hoàn hảo, nhưng để đạt được mục tiêu thì những khuyết tật phải được gột rửa, xử lý công khai và triệt để. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công khai nói về chất lượng đào tạo đại học hiện tại là chưa kiểm soát được mặc dù sự đầu tư về vật chất và con người trong 9 năm qua là rất lớn, bản chất của sự trì trệ là do năng lực quản lý của cơ quan chỉ đạo và cơ sở còn nhiều yếu kém. Con người làm nhiệm vụ quản lý ở trung ương và cơ sở đào tạo cần được rà soát, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, trường hợp không đạt chuẩn, vi phạm phải xử lý nghiêm để chấn chỉnh kịp thời những yếu kém.
Chỉ có thể phát triển đất nước khi nguồn lực con người đáp ứng với nhu cầu phát triển và nguồn lực ấy nhất định phải qua giáo dục - đào tạo để kiểm soát được chất lượng đào tạo, nâng cao được chất lượng đào tạo đòi hỏi đội ngũ quản lý và nhà giáo phải hết sức nghiêm túc, sáng tạo và dũng cảm. Những thách thức cản trở đổi mới rất đa dạng, tinh vi cùng tồn tại trong sự trì trệ trong tư duy của một bộ phận nhà giáo, để chiến thắng được sự vì nể, bảo thủ, tiền tệ hoá thực dụng còn tồn tại trong hệ thống, đòi hỏi sự kiên quyết, quyết liệt, dũng cảm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nếu chúng ta cứ đưa ra phê phán, nhưng không xử lý thì sẽ không có sự chuyển biến, tiếp tục vẫn trì trệ và không kiểm soát được chất lượng đào tạo.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có chương trình hành động để thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã tổ chức triển khai cho các cơ sở đào tạo, nhưng để triển khai tốt chương trình hành động này thì đối với cơ quan quản lý nên tham gia vào việc tổ chức thực hiện ở các cơ sở đào tạo trọng điểm, những cơ sở còn tồn tại yếu kém, trực tiếp tham gia những diễn đàn ở cơ sở, từ đó có cơ sở để nhìn nhận chính xác các báo cáo để tổng hợp rút ra những bài học và giải pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo.
Chấp hành Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động của cơ quan Bộ và các cơ sở đào tạo đại học trong toàn quân; là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo trong quân đội. Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu đã và đang tích cực triển khai, tin tưởng rằng các giải pháp tới đây liên quan đến đội ngũ nhà giáo nói chung, đội ngũ nhà giáo quân đội nói riêng sẽ được các cấp từ trung ương đến cơ sở đào tạo quan tâm, tạo động lực để từng bước nâng cao năng lực quản lý chất lượng đào tạo đại học.
Đại tá, TS, NGND Nguyễn Thiện Minh