Cha đấu giá đất thay con trai?
Những ngày qua, người dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn chưa hết bất ngờ về việc ông Nguyễn Văn Trọng (cán bộ Tài chính - Kế toán xã Quỳnh Bá) trúng đấu giá 23 lô đất với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, vì ông Trọng còn là em trai của ông Nguyễn Văn Quý (Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu) là người ký phê duyệt giá khởi điểm các lô đất nói trên khiến dư luận đặt nghi vấn về nguồn gốc tài sản của ông Trọng, cũng như quy trình đấu giá.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trọng cho biết, ông cảm thấy rất buồn và hối hận vì không tìm hiểu kỹ càng quy định đấu giá, khiến ông và anh trai là Phó Chủ tịch huyện chịu nhiều áp lực từ dư luận.
“Từ ngày huyện ra quyết định không công nhận kết quả trúng đấu giá 23 lô đất, bản thân tôi rất buồn và tiếc nuối. Chỉ vì tôi không cẩn thận, rà soát kỹ thông tin hướng dẫn đấu giá đã ảnh hưởng đến các cơ quan ban ngành cấp huyện, cấp xã và tiếng tăm trong dư luận”, ông Trọng chia sẻ.
Toàn cảnh khu đất đấu giá tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm) |
Theo người này, ông có người con trai hiện đang làm việc tại Hà Nội. Sau khi biết tại quê nhà xã Quỳnh Hưng sẽ bán đấu giá đất nên đã về quê tìm hiểu để mua 24 lô đất, ý định sau này về kinh doanh. Khu đất đấu giá nằm tiếp giáp với tuyến đường liên xã, cách trụ sở UBND xã chỉ khoảng trăm mét nên được đánh giá là vị trí đẹp.
Gần đến ngày đấu giá, gia đình con trai có người ốm, không về quê tham gia buổi đấu giá được nên ủy quyền lại cho ông. Tuy nhiên, theo quy định nếu viết giấy ủy quyền thì ông Trọng chỉ được tham gia đấu giá 1 lô đất. Chính vì thế, để có thể đấu giá nhiều lô đất cho con trai, ông Trọng đã mua 24 bộ hồ sơ, đứng trực tiếp tên ông tham gia đấu giá.
“Con trai tôi muốn mua cả 24 lô đất để sau này về quê kinh doanh và đã chuyển hơn 4,6 tỷ đồng tiền cọc các lô đất này cho đơn vị đấu giá. Tôi chỉ đứng tên tôi làm hồ sơ đấu giá đất, mua giúp con”, ông Trọng giải thích.
Toàn cảnh buổi đấu giá đất. (Ảnh: Quỳnh Hưng) |
Sáng 20/6, ông Trọng viết giấy đơn phép Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá nghỉ việc buổi sáng để sang xã Quỳnh Hưng tham gia đấu giá đất. Kết quả buổi đấu giá công bố, ông Trọng trúng 23/24 lô đất đã nộp hồ sơ, với trị giá hơn 30 tỷ đồng.
Trung bình, mỗi lô ông Trọng đấu giá cao hơn 300 - 800 triệu đồng so với giá khởi điểm. Ngoài ra, tại buổi đấu giá, anh N.V.T là con trai ông Trọng cũng đấu được 20 lô đất.
Vị cán bộ này cho biết, lương hằng tháng của ông chỉ hơn 6 triệu đồng, còn vợ làm nghề buôn trứng nên ông không thể có tiền tỉ để mua đất được. Nếu tìm hiểu kỹ và biết mình không thuộc đối tượng được đấu giá thì ông sẽ nhờ vợ hoặc người thân đứng tên mua hồ sơ đấu giá giúp, vừa được việc cho con trai, vừa tránh “lùm xùm”.
Theo ông Trọng, sau UBND huyện Quỳnh Lưu quyết định không công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 23 lô đất này, Phòng Nội vụ đã yêu cầu ông gửi bản kiểm điểm và giải trình nội dung sự việc.
“Không có chuyện tôi là em trai của Phó Chủ tịch huyện nên được ưu ái hơn. Nếu ưu ái hơn thì giá đất đấu phải thấp, không thể chênh nhiều so với giá khởi điểm được. Hơn nữa, đây là đấu giá gián tiếp, được bỏ phiếu công khai tại trụ sở xã dưới sự giám sát của tổ giám sát huyện, đơn vị đấu giá và nhiều khách hàng khác”, ông Trọng giải thích thêm.
Bảng kê một số lô đất trong khu đất đấu giá. (Ảnh: QCM) |
Sẽ tổ chức họp kiểm điểm
Xung quanh những “lùm xùm” của cán bộ cấp dưới, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá cho biết, ông Trọng trước đây công tác tại UBND xã Quỳnh Hưng, đến năm 2015 mới chuyển về làm kế toán tại Quỳnh Bá. Về tính cách, ông Trọng là người hiền lành, sống tình cảm và làm việc có trách nhiệm.
Theo ông Tùng, vào đầu năm, chính quyền địa phương đã yêu cầu cán bộ, công chứng xã phải kê khai tài sản. Trong các bản kê khai của ông Trọng cũng không có gì bất thường.
Vị Chủ tịch xã cho rằng, việc ông Trọng có 2 người con trai làm ăn thành đạt là có thật và người dân địa phương đều biết. Ngoài trúng đấu giá 23 lô đất vừa qua, trước đây ông Trọng cũng từng vài lần trúng đấu giá đất. Tuy nhiên, khi nghe thông tin ông Trọng trúng đấu giá 23 lô đất trị giá hàng chục tỷ đồng thì ông Tùng cũng như nhiều cán bộ tại cơ quan hết sức bất ngờ.
Trụ sở UBND xã Quỳnh Hưng nơi diễn ra buổi đấu giá ngày 20/6. (Ảnh: Phạm Tâm) |
Được biết, Huyện ủy Quỳnh Lưu đang yêu cầu Phòng Nội vụ tổ chức họp kiểm điểm, đồng thời đưa ra hình thức kỷ luật (nếu có) đối với ông Nguyễn Văn Trọng. Hoàn thành kiểm điểm trước ngày 15/7.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng khẳng định, buổi đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, vì thế không có chuyện ưu ái cho người nhà.
Người nào bỏ giá cao hơn thì người đó trúng đấu giá và không thể dàn xếp. Đồng thời ông Quý khẳng định, em trai mình chỉ đấu giá thay cho con chứ không thể có nhiều tiền như vậy.