Chủ động triển khai Chương trình mới ứng phó với diễn biến của dịch bệnh

GD&TĐ - Từ chỗ chỉ là giải pháp tình thế, dạy học trực tuyến đã chuyển sang trạng thái chủ động, thay thế cho dạy học trực tiếp và có vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) học trực tuyến
Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) học trực tuyến

Vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ

Cô Đinh Thị Vân Hồng- Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 cấp THCS, nhà trường có nhiều thuận lợi khi đã  được chuẩn bị về tâm thế từ mấy năm trước, đã có sự chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất. Công tác bồi dưỡng tập huấn đã được tiến hành. Nhà trường cũng mời chuyên gia, tác giả viết sách để tập huấn trao đổi với giáo viên.

Tuy nhiên, dịch bệnh lại diễn biến bất ngờ, thầy trò phải chuyển sang trạng thái học trực tuyến. Đối tượng học chương trình là HS đầu cấp do tình hình dịch bệnh chưa được đến trường chưa được làm quen với thầy cô các bạn, chưa làm quen với phương pháp học cấp THCS. Học sinh mới ở tiểu học lên cho nên việc ghi chép bài kiểm tra, bài vở hàng ngày còn chậm nên GV phải dày công đồng hành cùng các em.

Còn cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ: Đối với các trường THCS thì việc đón chào chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới giống như làn gió mới. Lãnh đạo nhà trường và các thầy cô giáo rất hồ hởi. Qua những chương trình tập huấn thì đã lĩnh hội nắm bắt được chương trình mới.

Việc dạy học trực tuyến được nhà trường nhanh chóng triển khai và đều đem lại những tín hiệu tích cực. Tuy học trực tuyến nhưng các em học sinh đều hăng hái phát biểu xây dựng bài, tiếp thu đầy đủ kiến thức. Nhà trường cũng đã phân công giáo viên giỏi nhất để dạy học sinh lớp 6 khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai cho biết ngay từ đầu năm học nhà trường đã xác định tâm thế, định hướng cho công cuộc đổi mới này. Nhà trường đã tập huấn cho giáo viên, xây dựng chương trình môn học theo chủ đề, phân công giáo viên phù hợp dạy các phân môn. Việc kiểm tra đánh giá mỗi học kì được thực hiện trong quá trình với toàn bộ môn học.

Hiện nay, việc dạy học trực tuyến của nhà trường đã đi vào nền nếp. Giáo viên có nhiều sáng tạo trong những tiết học để đem đến sự hứng thú cho học trò. 

Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh chia sẻ: Năm đầu tiên THCS thực hiện chương trình GDPT 2018, các thầy cô đều có tâm trạng hồi hộp  khi đã được tập huấn bồi dưỡng từ năm 2018 đến nay năm nay bắt đầu thực hiện. Khi cầm cuốn SGK trên tay thì rất nhiều các thầy cô có trăn trở suy nghĩ là phải dạy thế nào để đảm bảo chất lượng, để đem kiến thức đến với học trò.

Với học sinh trong thời gian vừa rồi là “dừng đến trường không dừng học” thì đối với các thầy cô là “dừng di chuyển nhưng không dừng tập huấn bồi dưỡng”. Các thầy cô đều nhận thấy công tác tập huấn bồi dưỡng lần này không đơn giản chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà đã chạm vào mong mỏi của các thầy cô là học thật, bồi dưỡng thật. Vì thế đợt bồi dưỡng vừa rồi đã giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Các nhà trường đặc biệt quan tâm đến chất lượng của dạy học trực tuyến
Các nhà trường đặc biệt quan tâm đến chất lượng của dạy học trực tuyến

Điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế

Ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để sẵn sàng thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6, Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, học sinh; xác định quy mô, nhu cầu cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học.

Sở cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT mới, xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần đảo tạo, bồi dưỡng từng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT phù hợp với kế hoạch của Bộ GD&ĐT...

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các nhà trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế.

Để giúp giáo viên khắc phục một số khó khăn trong việc tổ chức đạy học các môn học, hoạt động giáo dục đối với lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Tổ tư vấn gồm các chuyên viên và giáo viên cốt cán để tư vấn chuyên môn, giúp các nhà trường xây dựng kế hoạch môn học, đưa ra các phương án sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với thực tế…

Các quận huyện đã thành lập nhóm giáo viên cốt cán tham gia các công tác chuyên môn; xây dựng kế hoạch bài dạy minh họa, tiết dạy minh họa, phiếu học tập cuối tuần... Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT tổ chức dự giờ các tiết dạy học trực tuyến nói chung và các tiết học của lớp 6 nói riêng để kịp thời nắm bắt tình hình và rút kinh nghiệm với các nhà trường.

“Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, việc dạy học trực tuyến và triển khai chương trình GDPT mới của nhà trường đã dần ổn định. Các thầy cô kỳ vọng sau 4 năm thực hiện chương trình thì sẽ có lứa học sinh đầu ra là lứa học sinh khỏe về thể chất, có cảm thụ về nghệ thuật, cùng với đó là sự tự tin, thành thạo ngoại ngữ tin học”- thầy Nguyễn Cao Cường- Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ