Nhận định của các cơ quan chức năng, trọng điểm về an ninh, phòng ngừa khủng bố của ngành Đường thủy là các cảng thủy hành khách, du lịch, cảng xăng dầu, hóa chất và các cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài...
Giữ vững an ninh, phòng ngừa khủng bố
Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, thực hiện Luật Phòng, chống khủng bố, đơn vị này thường xuyên yêu cầu các bộ phận nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo các công tác về đảm bảo an ninh, phòng chống khủng bố trong lĩnh vực ĐTNĐ. Từ năm 2016, cục này phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức nhiều hội nghị tập huấn công tác trên cho các đơn vị của ngành ĐTNĐ, trong đó chú trọng vào lực lượng cảng vụ trực tiếp làm công tác quản lý các cảng, bến thủy.
“Mục tiêu trọng điểm là gần 300 cảng thủy nội địa, gồm các loại cảng hành khách, khách du lịch, các cảng xăng dầu, hóa chất, các cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tại các cảng thủy nội địa, lực lượng cảng vụ nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các nguy cơ mất an ninh; đồng thời chủ động thông tin, phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, hải quan, chính quyền địa phương triển khai theo phương án phòng, chống khủng bố”, đại diện Ban chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng chỉ đạo các cảng vụ, chi cục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, lực lượng trong đơn vị về công tác phòng, chống khủng bố. Cùng đó, đưa DN cảng, vận tải thủy là “mắt xích” phối hợp trong bảo đảm an ninh, phòng, chống khủng bố tại cảng, bến thủy.
Ông Vũ Đức Thắng, Trưởng phòng Pháp chế, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, công tác bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống khủng bố tại cảng bến thủy được đơn vị quán triệt đến tất cả các đại diện cảng vụ trực thuộc, cảng vụ viên. “Bộ phận trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, làm thủ tục cho phương tiện thủy ra, vào cảng bến thủy được giao trách nhiệm nắm vững tình hình an ninh, an toàn cảng bến, kịp thời báo cáo cho lãnh đạo cảng vụ những biểu hiện bất thường để đề phòng nguy cơ mất an ninh, khủng bố có thể xảy ra, cũng như thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng trên địa bàn. Nội dung công tác trên được tăng cường, chú trọng đặc biệt hơn trong những dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, các dịp cao điểm vận tải”, ông Thắng cho biết.
Liên quan đến luồng tuyến đường thủy quốc gia, Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, đã lập danh sách các luồng tuyến trọng điểm, nơi neo đậu luồng tuyến cửa ngõ có nguy cơ cao về mất ANTT hoặc xảy ra tình huống khủng bố. Các đơn vị trực tiếp quản lý, Đội Thanh tra - An toàn đường thủy triển khai thực hiện theo các phương án, chỉ đạo trong công tác bảo đảm an ninh, phòng chống khủng bố.
Tích cực diễn tập ứng phó tình huống
Các đơn vị quản lý cảng bến, luồng tuyến đường thủy phía Bắc cho biết, trên đường thủy chưa xảy ra vụ khủng bố nào, song các đơn vị tích cực tham gia diễn tập các tình huống ứng phó những sự cố mất an toàn, an ninh, tìm kiếm cứu nạn để rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm.
Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, cách đây không lâu, các đơn vị phối hợp tổ chức diễn tập tình huống phương tiện thủy chở hàng 500 tấn bị trôi dạt gần cầu Hồ trên sông Đuống, đâm thủng mạn một tàu hàng 800 tấn, khiến cả hai tàu cùng quay ngang, trôi tự do, đe dọa tính mạng thuyền viên và chìm đắm tàu.
Trước tình huống trên, từ chỉ đạo từ cấp cục, lực lượng trực tiếp của ngành ĐTNĐ, CSGT, công an, cứu thương, lực lượng địa phương cấp huyện... đã phối hợp nhịp nhàng xử lý tình huống bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ngoài ra, trong các đợt ra quân đảm bảo ATGT đường thủy cũng lồng ghép các nội dung phối hợp trao đổi thông tin, điều động lực lượng, phương tiện trong thực hiện nhiệm vụ chung giữa đường thủy và các lực lượng bảo đảm ANTT trên tuyến.
Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, công tác bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống khủng bố của lực lượng cảng vụ bám sát theo các chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Cục ĐTNĐ Việt Nam. Các đại diện cảng vụ trực thuộc có kế hoạch cụ thể triển khai công tác này, trong đó tuyên truyền pháp luật, quy định về phòng, chống khủng bố đến các chủ cảng, bến thủy, phương tiện và nắm chắc tình hình địa bàn phụ trách để báo cáo về Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Cảng vụ.