Chủ động nhập cuộc

GD&TĐ - Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đòi hỏi ngành Giáo dục, đặc biệt là người thầy có những tư duy mới cũng như tiếp nhận cái mới về công nghệ trong giáo dục. Ngành Giáo dục các địa phương đang tập trung nguồn lực để có thể bắt kịp và đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0.

HS tiểu học ở TP Cần Thơ say mê học STEM - Robotics. Ảnh: T.G
HS tiểu học ở TP Cần Thơ say mê học STEM - Robotics. Ảnh: T.G

STEM - Robotics và Khoa học máy tính đang khởi sắc

Từ năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục TP Cần Thơ bắt đầu triển khai dạy học STEM - Robotics và Khoa học máy tính cho học sinh quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Sau đó, môn học này được triển khai thêm ở các trường thực hiện mô hình Trường điển hình đổi mới trên địa bàn. Để chuẩn bị cho môn học này, ngành Giáo dục thành phố đã có bước chuẩn bị từ nhiều năm trước, từ việc đầu tư cho đội ngũ đến cơ sở vật chất.

Sở GD&ĐT phối hợp với các công ty, doanh nghiệp chuyên về STEM tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn cấp chứng chỉ giảng dạy STEM - Robotics cho giáo viên Tin học; Demo, giới thiệu chương trình STEM - Robotics cho các trường tiểu học, học sinh và phụ huynh; Hội nghị triển khai giảng dạy STEM - Robotics cho lãnh đạo, chuyên viên các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường tiểu học có điều kiện thuận lợi nhất của các quận, huyện; Tập huấn cấp chứng chỉ giảng dạy STEM - Khoa học máy tính cho giáo viên Tin học cấp tiểu học; Tập huấn giảng dạy STEM - Robotics (mã nguồn mở) cho giáo viên Tin học cấp tiểu học; tổ chức Ngày hội Robothon thành phố và Ngày hội Robothon - Wecode...

Không như những môn học khác học sinh chỉ ngồi nghe thầy cô giảng và ghi chép, STEM - Robotics sẽ cho học sinh tự lên ý tưởng, thiết kế, vận hành và lập trình các mô hình robot. Trên cơ sở những học sinh có năng khiếu và đam mê về khoa học, máy tính và robot, giáo viên hướng dẫn các em sử dụng bộ robot để lắp ráp thành những mô hình kỹ thuật như: Các loại máy, xe cộ, con vật… Sau đó lập trình trên máy vi tính để các mô hình thực thi các nhiệm vụ theo yêu cầu một cách tự động. Qua đó, kích thích, phát triển tư duy, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em…

Mặc dù mới triển khai dạy học STEM - Robotics từ năm học 2017 - 2018 nhưng TP Cần Thơ đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm đầu tiên thành phố đã có học sinh đạt giải quốc tế. Mới đây, một học sinh tiểu học đã đạt giải vô địch tại Cuộc thi lập trình quốc tế Wecode và Cuộc thi Robothon quốc tế được tổ chức tại Thẩm Quyến (Trung Quốc). “Robotics khi đưa vào giảng dạy sẽ giúp học sinh phát triển tư duy thuật toán, lập trình, tự động hóa thông qua thiết kế, lắp ráp, lập trình điều khiển robot gần gũi và mang tính ứng dụng cao. Thông qua những mô hình robot, học sinh áp dụng một cách tinh tế và linh hoạt những kiến thức lý thuyết của Toán, Vật lý và Tin học vào thực tế...”, ông Nguyễn Thanh Thống - Giám đốc Trường Phổ thông Thái Bình Dương (TP Cần Thơ) cho biết.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Theo nhận định của nhiều giáo viên, ở Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM vừa mang ý nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học. Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM được chú trọng, có mặt đầy đủ ở các môn học. Đó là các môn Toán học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học... Vị trí, vai trò của giáo dục Tin học và Giáo dục công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nâng cao rõ rệt. Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM, mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước CMCN 4.0.

Ứng dụng phù hợp với địa phương

Đối với các tỉnh còn khó khăn, việc đẩy mạnh CMCN 4.0 trong ngành Giáo dục cũng được chú ý. Trong đó, ứng dụng STEM trong dạy học đang được nhiều trường học triển khai có hiệu quả. Qua đó, trang bị cho thầy, trò kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ngành Giáo dục triển khai giáo dục STEM vào năm học 2018 - 2019. Trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm 3 trường, tương ứng với 3 cấp học phổ thông như: Trường Trung học thực hành Sư phạm Sóc Trăng thực hiện khối Tiểu học; Trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) và Trường THPT Thuận Hòa (huyện Châu Thành). Trong mỗi cấp học, các khối lớp cũng sẽ thí điểm cơ số lớp nhất định được học STEM.

Theo thầy Hà Cơ Nhu - giáo viên dạy môn Vật lý, Trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng): “Sau thời gian học với STEM, học sinh rất hứng thú, tính tích cực được nâng lên, các em đã chủ động được hoạt động diễn ra trong tiết học. Có khi thời lượng 1 tiết học tiêu chuẩn của STEM không đủ vì cả thầy, trò cùng quan tâm đến khía cạnh khám phá giờ thực hành, muốn trải nghiệm nhiều hơn, chủ động các câu hỏi của vấn đề. Việc “cháy” giáo án luôn là tình trạng phổ biến tại các lớp học STEM, ngay cả người hướng dẫn lẫn người học bị cuốn vào quá trình giảng dạy, học tập và tranh luận…”.

Khi triển khai giáo dục STEM ở Sóc Trăng, học sinh dễ dàng thực hiện những dự án gắn liền với thực tiễn như: Trồng rau theo phương pháp thủy canh, làm máy sấy nông sản, làm trà sữa, kim chi… Tất cả đều thực hiện từ những vật liệu đơn giản, có những dự án được hỗ trợ công cụ và cũng có khi học sinh phải tự chuẩn bị những vật liệu tái chế (chai, lọ…) để hoàn thành sản phẩm. Tiếp cận với phương pháp bài bản về những vấn đề của đời sống, học sinh thực hiện ở trường và ở nhà rất tiện lợi. Dường như đến lớp học sinh sẽ chỉ tập trung học hỏi nhau cách thực hành, xử lý sâu hơn các vấn đề liên quan.

Theo ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng: “Thí điểm STEM, ngành Giáo dục hướng đến việc chọn những ngôi trường cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết với nghề, tích cực tham gia đổi mới. Do đó không tập trung một khu vực mà chia ra những khu vực khác nhau, khảo sát những hiệu quả khác nhau của chương trình. Chương trình giáo dục STEM ở Sóc Trăng được đơn vị Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM hỗ trợ khung chương trình, công cụ thí điểm năm đầu tiên. Sau đó sẽ chuyển giao lại cho giáo viên của mỗi trường. Dù triển khai có phần muộn hơn những tỉnh, thành khác trong khu vực, với 21 tuần học sinh được học STEM, nhưng đã thu về nhiều tín hiệu phản hồi rất tích cực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.