Chủ động khi học sinh, sinh viên trở lại trường

GD&TĐ - Mở cửa trường học, đón học sinh trở lại lớp học truyền thống là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021...

Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn với dịch bệnh. Ảnh minh họa: Internet
Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn với dịch bệnh. Ảnh minh họa: Internet

Hà Nội sẽ sớm có phương án

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu TP Hà Nội) - Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội), đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay thành phố đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cho rằng, chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm là điểm sáng của Thủ đô trong công tác phòng chống dịch; đại biểu Hà ghi nhận: Trong 5 ngày Bộ Y tế cấp cho Hà Nội 3,2 triệu liều vắc-xin. Nhờ sự tin tưởng, đồng thuận của người dân khi tham gia tiêm chủng, Hà Nội đã thực hiện tiêm đạt tiến độ, thần tốc, an toàn.

Hiện nay, thực hiện chủ trương sống thích ứng an toàn, từng bước mở cửa nên người dân ở các tỉnh đã về Hà Nội rất nhiều. “Qua tầm soát xét nghiệm, chúng tôi đã phát hiện F0. Đây là áp lực rất lớn với ngành Y tế Thủ đô, nhưng chúng ta chấp nhận mở cửa và sống chung an toàn với Coivd-19” - đại biểu Hà nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để làm được điều này, cần có chiến lược vắc-xin một cách chủ động cho năm 2022, đặc biệt là vấn đề vắc-xin cho trẻ em, để chuẩn bị kịch bản khi có một lượng học sinh, sinh viên tới trường trong thời gian tới.

Đặt vấn đề, khi nào học sinh, sinh viên có thể trở lại trường? Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết: Điều này phụ thuộc vào đánh giá cấp độ dịch. Hà Nội sẽ có những biện pháp để nới lỏng các dịch vụ, hoạt động văn hóa, kinh tế - xã hội.

Với hệ thống cơ sở khách sạn, cơ sở lưu trú, Hà Nội đã cho phép mở cửa hoạt động trở lại. Với các hoạt động khác cũng sẽ từng bước mở cửa nhưng quan trọng nhất là người dân được thuận tiện và đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Với phương án đón học sinh trở lại trường, Hà Nội sẽ sớm có phương án. Sở GD&ĐT Hà Nội đang xây dựng những phương án rất cụ thể để đảm bảo có thể đưa học sinh đến trường một cách an toàn nhất.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, các phương án này sẽ phải cân nhắc cả vào kế hoạch vắc-xin cho trẻ em Thủ đô. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tiêm, tuy nhiên cần có căn cứ là hướng dẫn của Bộ Y tế về lứa tuổi, về số lượng vắc-xin nhận được để có kế hoạch triển khai. “Vì vậy, chúng tôi hy vọng Bộ Y tế cần sớm có kế hoạch phân bổ lượng vắc-xin và chỉ định lứa tuổi tiêm chủng để Hà Nội thực hiện. Ví dụ, nếu hiện chưa đủ vắc-xin để tiêm cho tất cả học sinh từ 12 - 17 tuổi, thì có thể tiêm trước lứa tuổi từ 16 - 18 tuổi. Chúng tôi đang chờ đợi hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai” - đại biểu Hà nói.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà trao đổi với báo chí bên lề phiên thảo luận tổ.

Cần có chiến lược vắc-xin

Nêu quan điểm về vấn đề mở cửa trường học, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - cho rằng, Hà Nội là nơi có thể đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19, lượng người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài rất lớn.

Ngoài ra, người từ các nơi đổ về Hà Nội ngày một đông khi thành phố mở cửa một số hoạt động. Hiện nay, đã gần hết tháng 10 nhưng học sinh vẫn chưa được tiêm vắc-xin. Gần 3 triệu trẻ nhỏ ở Hà Nội chưa được tiếp cận với vắc-xin, tỉ lệ giáo viên được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng rất thấp. Đây là những lý do thành phố thận trọng, cân nhắc có nên cho học sinh trở lại trường vào thời điểm này hay không.

Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Theo đó, một trong những nhóm nhiệm vụ được Thủ tướng nhấn mạnh là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng thời phê duyệt, triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đưa học sinh trở lại trường học an toàn với dịch bệnh; đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài…

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày (sáng 20/10) – cho thấy: Nội dung được cử tri quan tâm là: Sớm triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh để các em có thể trở lại trường học an toàn cũng được nhấn mạnh. Hiện, các địa phương đã có kế hoạch, lên danh sách học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi. Tuy nhiên, chưa địa phương nào “chốt” thời gian cụ thể có thể triển khai việc này. Lý do là số lượng vắc-xin có thể tiêm được cho trẻ em về Việt Nam còn hạn chế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng tình với ý kiến đề xuất của đại biểu đoàn Hà Nội về việc cần có chiến lược vắc-xin để từng bước mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có việc mở cửa trường học. Tới đây, khoảng 1 triệu sinh viên và những người từ các địa phương khác sẽ quay trở về Hà Nội học tập, lao động. Cùng với đó là 2,1 triệu học sinh các cấp chưa được tiêm, chưa kể đối tượng trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, vấn đề vắc-xin bao gồm chủ trương, nguồn cung, bố trí nguồn lực trong năm 2022 là rất quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 đề xuất: Chính phủ cần nghiên cứu phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học kịp thời - an toàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần và bảo vệ trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.