Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp bất thường diễn ra hồi cuối tháng 12/2022, từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/l; nhiên liệu bay 1.000 đồng/l; dầu diesel là 1.000 đồng/l; dầu hỏa là 600 đồng/l; dầu mazut 1.000 đồng/l; dầu nhờn 1.000 đồng/l; mỡ nhờn có mức thuế 1.000 đồng/kg.
Mức giảm này thấp hơn so với phương án được Chính phủ đề xuất. Cụ thể, đối với xăng, Chính phủ đề xuất giảm từ 4.000 đồng/l xuống mức sàn 1.000 đồng; nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng; dầu diesel giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng; mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng; dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng.
Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới cuối năm 2022 có dấu hiệu hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm và dự báo giá dầu thô trong năm 2023 cũng thấp hơn mức ước bình quân năm 2022 nên việc Chính phủ đề xuất tiếp tục áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế bảo vệ môi trường đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn là chưa thực sự thuyết phục, chưa phù hợp với bản chất và mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc này còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong thực hiện các giải pháp nhằm giảm tác động có hại đến môi trường. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức như Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vì lựa chọn phương án này sẽ để lại dư địa, có thể tiếp tục điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Cần nhắc lại rằng, hồi đầu tháng 7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành họp phiên bất thường để xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nhằm kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao.
Phát biểu tại phiên họp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đây là sự quan tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với công tác điều hành của Chính phủ và với nền kinh tế. Trong điều kiện áp lực về lạm phát, việc quyết định và thực hiện sớm ngày nào càng có lợi cho nền kinh tế, cho người dân ngày đó.
Thực tế, có những thời điểm của năm 2022, giá xăng dầu trong nước ở mức cao, tăng liên tục và liên tiếp lập kỷ lục đã đẩy giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng theo, khiến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên đã có nhiều ý kiến đề nghị cần sử dụng công cụ thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.
Lý do là bởi hiện mỗi lít xăng đang phải chịu 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, với giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức nên trong cơ cấu giá bán lẻ mỗi lít xăng, dầu, tùy từng thời điểm đang phải chịu khoảng 34 - 35% thuế, chi phí.
Nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao và tăng liên tục, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng chủ động đồng hành để có các quyết định, giải pháp phù hợp, kịp thời. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong những năm tiếp theo.